gặp gỡ ấy và muốn tránh xa London một thời gian, Stafford quyết định tuần
tới sẽ đi thăm bà cụ Matilde, bà của chàng. Stafford rất quý bà cụ mặc dù
không đến thăm bà cụ luôn. Bà Matilde sống ở miền quê, trong phần bên
cánh của một tòa lâu đài rộng thênh thang bà được thừa kế của ông nội bà.
Tuy chỉ là “cánh bên” của tòa lâu đài nhưng vẫn rất rộng, gồm một phòng
khách to, một phòng ăn hình bầu dục chứa được hàng chục thực khách, một
gian bếp được trang bị lại theo kiểu hoàn toàn hiện đại, hai phòng ngủ sang
trọng cho khách đến thăm, và một phòng ngủ có kèm buồng tắm dành riêng
cho chủ nhân, bà Matilde. Cả phần còn lại của tòa lâu đài đồ sộ bị bỏ không,
chỉ được định kỳ quét dọn. Stafford rất gắn bó tình cảm với tòa nhà này, vì
thuở nhỏ, hè nào chàng cũng được về nghỉ tại đây.
Stafford xúc động nhớ lại những bức họa quý giá từ triều đại Nữ hoàng
Victoria [3] treo trên tường, và cả những bức họa khác, cổ xưa hơn, của nhiều
danh họa những thế kỷ trước đó. Tuy nhiên một số những bức họa đó đã bị
bán mất để có thêm tiền cho gia đình chi dùng trong những quãng thời gian
khó khăn.
Bà cụ Matilde sống hết sức thoải mái và bà cụ có tính thích nói. Bà cụ rất
mừng rỡ mỗi khi Stafford về thăm. Tuy nhiên chàng ngạc nhiên sao lần này
chàng lại đột nhiên thấy nóng lòng muốn về thăm bà cụ đến thế. Nhất là
chàng nhớ đến những bức họa kia, phải chăng vì trong số đó có bức chân
dung em gái chàng đã qua đời cách đây hai chục năm? Đúng thế, Stafford rất
muốn nhìn kỹ lại bức họa đó, xem cô Pamela kia có giống chút nào cô gái
chàng gặp ở Frankfurt không, cô gái đã ngẫu nhiên xuất hiện, làm đảo lộn
cuộc sống của chàng đến như vậy!
Stafford lại nhấc tờ chương trình lên và lơ đãng huýt sáo câu nhạc ghi trên
đó. Đột nhiên chàng nhận ra đó là câu nhạc chủ đạo trong vở nhạc kịch
Ziegfried. Chàng chợt nhớ câu cô gái kia nói lúc cuối cùng “Ôi, chàng
Ziegfried!” Lúc ấy cô ta nói như tự nói với bản thân, nhưng bây giờ Stafford
hiểu ra rằng đó là một câu gần như mật hiệu hoặc ám hiệu. “Chàng Ziegfried”
hẳn có một nghĩa bóng nào đó. Nhưng là gì?