Nguyễn Đắc Xuân
Chuyện các bà trong cung Nguyễn
- 5 -
PHONG TÌNH CỔ LỤC
Hiền Vương là một ông chúa có tài quân sự, đêm ngày để tâm lo toan những
việc ích nước lợi dân, không chuộng yến tiệc, vui chơi. Bỗng… vào tháng tư
năm Nhâm Thìn (1652) xuất hiện giữa đám ca nhi trong vương phủ chúa
Nguyễn một áng “đào kiểm” thanh quý, lộng lẫy mười phân vẹn mười! Nhan
sắc ấy đã làm phai nhạt, lu mờ tất cả những vẻ thanh tân, tứ lệ của đám phi tần
đã dày công trau chuốt sắc tài… Đóa hoa diễm lệ đó là nàng Đào Thừa – sinh
trưởng ở đất Nghệ An, nàng vừa có nhan sắc, vừa nết na đúng mực trăm anh,
cành vàng lá ngọc, lại thêm biệt tài đàn ngọt hát hay!
Nhan sắc, tài hoa cùng với ma lực của sóng mắt khuynh thành, nàng Thừa đã
chinh phục được trái tim cứng rắn của Hiền Vương.
Từ khi có nàng, HIền Vương dấn thân vào giữa cõi mịt mờ của đám mê vân sắc
dục, trời đất ngả nghiêng mọi việc quốc quân trọng yếu suốt tuần suốt tháng
Chúa chẳng màng để ý tới…
Dưới trướng Hiền Vương, nhiều người có tài kinh luân, có nghĩa khí đã từng
vào sinh ra tử với Chúa từ lúc còn là thế tử, trước sa ngã của Hiền Vương, họ đã
mạnh dạn đứng ra can gián.
Chướng dinh Nguyễn Cửu Kiều – chồng bà Ngọc Đỉnh, con gái chúa Sãi, bà là
bà cô của Hiền Vương – một hôm đã vào thẳng thắn vạch rõ cho Hiền Vương
thấy cái họa nữ sắc như thế nào và khẩn cầu Chúa sớm xa lìa con đường sắc
dục, hãy rút lại tấc lòng sủng ái đã dành cho ả ca nhi xứ Nghệ… Hiền Vương cả
giận mắng rằng:
- Ta đã từng nằm gai nếm mật để bảo vệ cơ đồ, nay giống nòi đã vững
vàng, trăm họ đã an lạc, há ta chẳng có quyền được cung dưỡng bằng cái vui
thanh sắc, yến ẩm hay sao ?