Dutertre tiếp tục ca ngợi cuốn sách trước khi hỏi Paul điều gì đã xui
khiến anh viết nên câu chuyện đó. Paul nhìn chăm chú vào máy quay.
- Tôi không viết ra nó. Tôi chỉ dịch nó thôi.
Francois Dutertre trợn tròn mắt, nín thở.
- Tôi có nghe nhầm không? Anh không viết cuốn tiểu thuyết đó ư?
- Không, câu chuyện này là thực từ dòng đầu đến dòng cuối và nó không
thuộc về tôi. Tác giả của nó là một phụ nữ. Cô ấy không thể công bố câu
chuyện dưới tên mình được. Cha mẹ cô ấy, gia đình cô ấy, và nhất là người
đàn ông mà cô ấy yêu hiện đang sống tại Bắc Triều Tiên, họ sẽ phải trả giá
bằng cả mạng sống của mình. Chính vì lý do đó mà tôi sẽ không bao giờ tiết
lộ danh tính của cô ấy, nhưng tôi không thể chiếm đoạt thành quả lao động
của cô ấy.
- Tôi không hiểu, Dutertre thốt lên, anh đã xuất bản câu chuyện ấy dưới
tên mình kia mà?
- Tôi đã dùng quyền đứng tên thay bằng một thỏa thuận chung. Kyong
thực chỉ có một khát khao duy nhất là câu chuyện về đồng bào của cô ấy
được đông đảo công chúng biết đến, rằng rốt cuộc mọi người sẽ đồng cảm
với số phận đã được dành cho họ. Ở Bắc Triều Tiên không có dầu lửa, vậy
thì thế giới phương Tây đã coi thường một trong những nền độc tài chuyên
chính đáng ghê sợ nhất. Tôi đã mất nhiều tháng ròng rã để thấm nhuần
những gì cô ấy viết, để tiếp thêm sự sống cho các nhân vật của cô ấy, tuy
nhiên tôi nhắc lại để quý vị rõ, câu chuyện này thuộc về cô ấy và giải
thưởng được trao cho tôi ngày hôm qua thuộc về cô ấy và chỉ riêng cô ấy
mà thôi. Tối nay, tôi tới đây góp mặt trong chương trình này là để nói ra sự
thật, và cũng để nói với quý vị rằng nếu một ngày nào đó, chế độ đang đè
nén dân tộc ấy sụp đổ, tôi sẽ tiết lộ tên của tác giả ngay khi cô ấy cho phép
tôi làm vậy. Cô ấy đã tặng tôi tiền bản quyền và tôi đã chuyển khoản tiền đó
cho quỹ Ân xá Quốc tế và cho các phong trào khác vẫn đang đấu tranh
chống lại chế độ bỉ ổi đó. Tôi gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới biên tập
viên của tôi, cho tới giờ phút này ông ấy không hề biết đầu đuôi sự thể,