Nghệ thời Đế Nghiêu cũng giữ chức Xạ quan, là người từng bắn rụng
mặt trời.
Nghệ thời nhà Hạ thường được biết với cái tên Hậu Nghệ, vua nước
Hữu Cùng, nhân lúc Thái Khang đi săn liền đem quân tới cướp ngôi, nhưng
sau khi lên ngôi lại ham mê săn bắn giống Thái Khang, nên bị thuộc hạ là
Hàn Trác soán vị.
Khổng Dĩnh Đạt thời Đường khi viết chính nghĩa cho thiên “Ngũ tử
chi ca” trong sách “Thượng thư”, trích dẫn “Thuyết văn”, "Giả Quỳ", “Hoài
Nam Tử”, … kết luận: “Nghệ là danh hiệu của người thiện xạ, không phải
tên người”.
Như vậy, có thể hiểu: Nghệ trong truyền thuyết là một nhân vật tập
hợp sự tích của rất nhiều người thiện xạ thời cổ.
Vừa đến nội viện, chàng đã thấy Thường Nga (1)ló đầu xem xét từ bên
trong khung cửa sổ tròn. Chàng biết ánh mắt của nàng nhanh nhạy, nhất
định đã nhìn thấy mấy con quạ rồi, bất giác chàng thở dài chán nản, chân
bước ngập ngừng, nhưng rồi cũng đi vào trong. Đám thị nữ ra chào đón,
cầm cung tên cho chàng và gỡ lấy túi lưới săn. Chàng cảm nhận được trên
mặt chúng đang phảng phất một nụ cười khổ não.
-----
(1)Thường Nga là nhân vật thần thoại cổ, vợ của Nghệ. Thiên “Lãm
minh huấn” trong sách “Hoài Nam Tử” viết: “Nghệ xin Tây Vương Mẫu
thuốc bất tử, Hằng Nga trộm lấy uống để lên trăng”. Tên của nhân vật này
vốn là Hằng Nga, nhưng người thời Hán vì kiêng tên của Hán Văn Đế (Lưu
Hằng) nên sửa thành Thường Nga.
“Phu nhân…”, chàng vào trong phòng, vừa nói vừa xoa tay lau mặt.