Vừa nghe giọng thì biết ngay là Thúc Tề. Bá Di xưa giờ ưa nói lễ
nhượng, vậy nên trước lúc ngẩng đầu thì ông đã đứng dậy, vẫy tay một cái,
có ý mời vị huynh đệ đang đứng bên bậc cấp kia ngồi xuống.
“Đại ca, thời buổi có vẻ không tốt lắm!”, Thúc Tề vừa ngồi xuống vừa
thở phì phò, giọng nói có chút run rẩy.
“Thế nào rồi?”, Bá Di lúc này mới quay sang, chỉ thấy khuôn mặt
Thúc Tề vốn đã trắng bệch, giờ lại càng nhợt nhạt hơn nữa.
“Huynh đã nghe chuyện có hai người mù từ bên chỗ Thương Vương
(1)bỏ trốn sang đây chưa?”.
“Ờ, mấy hôm trước, hình như Tán Nghi Sinh (2)có đề cập tới. Ta
không để ý nữa”.
“Hôm nay đệ đã đi thăm viếng hai người họ. Một người là Thái sư Tỳ,
một người là Thiếu sư Cường, họ còn mang tới đây rất nhiều nhạc khí (3).
Nghe đâu thuở trước từng mở hội triển lãm, người đến tham quan đều tấm
tắc ngợi khen,… nhưng bên này dường như đang muốn động binh đao”.
-----
(1)Thương Vương tức Trụ Vương, tên là Thụ, vua cuối cùng của triều
Thương (hay còn gọi là triều Ân).
(2)Tán Nghi Sinh là một trong những khai quốc công thần của nhà
Chu.
(3)Thiên “Chu bản kỷ” sách “Sử ký” chép: “Trụ càng thêm hôn loạn
bạo ngược, giết vương tử Tỷ Can, bỏ tù Cơ Tử. Thái sư Tỳ, Thiếu sư
Cường ôm nhạc khí chạy sang đất Chu”. Thái sư, Thiếu sư là tên chức quan
trông coi về âm nhạc. Theo lời Trịnh Huyền chú trong sách “Chu lễ” thì
đảm nhận các chức quan này đều là người mù.