Nước mắt
Cả làng đồn ầm lên về chuyện cụ Vãn ra ở với cái Mái. Chuyện
được thêu dệt, thêm thắt mãi ra.
Vốn là cái Mái bơ vơ ở đâu đến, khi nó chỉ trạc mười tuổi. Nó
là con gái thì người ta gọi nó là con Mái, như con gà mái, rồi thành
tên. Hồi ấy, các làng phải chạy máy bay Mỹ. Cái cầu ngoài đường
bị bom bắn, các làng hai bên đều tan hoang. Người bỏ đi, người
đâu đến, người chết vùi hố bom chỗ nào không ai biết, gốc gác
cái Mái cũng trong mớ chằng chịt hỗn độn ấy, chẳng ai để ý đến
nữa.
Lại thêm một nỗi là con bé ấy câm. Rồi đến năm được bình
yên, con Mái nhớn nhao lúc nào. Có người chợt để ý cái Mái hay
cười, má lúm đồng tiền, người ta mới dần dần nhận ra con bé
đã lớn. Ai nói gì, trò chuyện thế nào, Mái không đáp lời được. Mái
chỉ cười. Đói rách khốn khổ đến điều mà lại hay cười. Lúc ngồi
không, lúc đi làm mướn, cuốc vườn, rào vườn, đi cấy, thấy người
là thấy khuôn mặt tươi tỉnh, nét miệng cười, hàm răng trắng tểnh.
Một hôm, có câu chuyện lạ theo chân những người đi chợ.
- Này, con Mái chửa ễnh bụng ra rồi, biết chưa?
- Thiên hạ nói dăng dăng, bây giờ đằng ấy mới biết thì có!
- Ừ, thế mà tớ mới nghe đấy, chán chưa. Cái con bé toàn đi ở
nhờ, ăn cơm nhà người, bây giờ phễnh bụng thì có nhà đứa nào
dám chứa, mang tiếng chết!