cần chở em đi hay đón em về, tôi lại phải chạy đôn chạy đáo khắp
các phòng trong khu tập thể để mượn xe. Đây là việc rất khó.
Để mượn được xe, lắm lúc tôi bị những ông đáo để, bày ra nhiều
trò hành đến nơi đến chốn. Ông Thính phòng cơ điện bắt tôi pha
trà, rửa bát. Thằng Trường phòng trắc địa đòi tôi phải gọi nó bằng
anh. Và tôi lặng hơn nước, thấp hơn cỏ, răm rắp làm theo những gì
mọi người yêu cầu. Những cảnh trên sẽ chấm dứt khi chiếc xe đạp
của tôi ra đời. Mặc dù còn thiếu cổ, chén, pêđan... bao nhiêu thứ,
nhưng chẳng chóng thì chầy ước mơ của tôi sẽ thành hiện thực.
Thế rồi khi quá trình thực hiện việc cơ khí hóa đôi chân của tôi
sắp tới ngày kết thúc, cuối năm 1977, tôi nhận được thư của anh
trai, lúc ấy đang học ở Học viện Chính trị Quân đội nhân dân Việt
Nam. Nội dung: “Em mang khung xe về để anh lắp xe cho chị!” (tức
vợ anh, chị dâu tôi). Đọc thư, tôi giận anh ghê gớm, nhưng cũng đành
cắn răng cắt phép năm, vác chiếc khung xe đạp cùng toàn bộ
những phụ tùng mua được từ Quảng Ninh vượt qua bao chặng tàu xe
về Nghệ An giao lại cho anh. Giận đấy, nhưng cũng thấy thương
anh vì túng quá mà tính quẩn.
Trở ra mỏ, tôi lại tiếp tục điệp khúc mượn xe đạp đi đón người
yêu. Rồi điều phải đến cũng đến, một tối thứ bảy, tôi không
mượn được xe. Hai chúng tôi cuốc bộ đoạn đường gần bảy cây số
lên nhà Hải ở xóm núi Đập Nước. Vừa đi tôi vừa nghĩ nhục cho mình,
mười năm ra mỏ không mua nổi chiếc xe đạp.
Hôm sau, lục khắp vali thấy mình còn đúng 50 đồng, tôi
quyết định bán tất cả đồ đạc để thực hiện ước mơ và cũng để “rửa
nhục”. Tài sản đáng giá nhất của tôi lúc đó là bộ complê cũ mua 160
đồng. Có người trả 140 đồng: bán! Đôi giày Uyních, xấp vải simili,