Sau đó là yên tĩnh, một sự yên tĩnh tuyệt đối. Rồi tôi nghe thấy
tiếng rì rào như gió thổi, Không phải! Tiếng nước chảy. Đợi một lúc
không thấy bom rơi nữa, tôi mò mẫm trong bóng tối tìm đường ra
nhưng cửa hầm đã bị đất vùi kín. May thay trong cơn hoảng loạn,
tôi tìm thấy con dao mà buổi tối dùng để chặt các đầu mấu tre
trong hầm, đề phòng bọn trẻ nghịch ngợm đâm đầu vào. Nhờ con
dao này, tôi bới đất tìm được lối ra ngoài.
Chao ơi, một quả bom rơi đúng vào căn hầm bên cạnh, miệng hố
bom rộng đến 20m, chỉ còn cách miệng hầm của tôi chừng 1,5m.
Đó là quả bom cuối cùng ném xuống Hà Nội và trúng vào căn
hầm của người hàng xóm. Quả bom đã cắt đứt bờ mương làm nước
chảy từ bên này ruộng sang bên kia ruộng tạo nên thứ âm thanh rì
rào. Thật may mắn, nếu không có con dao và chui ra được thì hoặc
là cả nhà tôi sẽ chết ngạt, hoặc chết chìm trong nước.
Sáng hôm sau, tôi trở lại căn hầm của mình để nhặt nhạnh đồ
đạc còn sót lại thì mới biết 11 người trong căn hầm của nhà hàng
xóm bị trúng bom đều không còn. Thật hú vía! Khi cái sống và cái
chết chỉ cách nhau gang tấc.
Đã bao năm tháng trôi qua, các con tôi đã lớn lên và có thể chúng
chưa cảm nhận được nỗi sợ chiến tranh. Riêng tôi, cứ đến ngày 26-
12 lại bồi hồi nhớ lại cảnh tượng kinh hoàng của trận ném bom rải
thảm trên cánh đồng huyện Thanh Trì năm đó. Và tôi không thể lý
giải được ở thế kỷ 21, vì sao ở nơi này nơi khác trên thế giới máu cứ
tiếp tục đổ. Sao con người ta vẫn không sợ chiến tranh?