Thời đó, nếu có kế hoạch hóa gia đình sẽ không có tôi trên cõi
đời này vì tôi là đứa con thứ 12. Khi tôi lớn lên ở tuổi ăn học thì cha
mẹ đã già đáng tuổi ông bà tôi.
Năm 1946, dân làng tôi phải chạy vô rừng tràm tránh giặc. Với
chiếc xuồng con, ba tôi lội nước đưa gia đình đi từng chặng, gia
đình tôi phải chia hai ngồi trên xuồng cho ba đẩy đi, đưa đến
thềm đìa, ba trở lại đón tốp sau. Cứ từng chặng như thế chạy vô
rừng tràm sống chung với muỗi mòng, đỉa vắt, không mùng màn,
gạo muối, ăn toàn cá đìa nướng với rau rừng.
Khi giặc rút đi, dân làng lục tục kéo về, nhìn cảnh hoang tàn, tang
tóc: nhà cháy, người chết...
Năm sau giặc lại tái diễn, ba tôi đổi hướng chạy về quê nội ở Ba
Chúc, lần này chạy bộ từ Vĩnh Gia đến Ba Chúc, băng ruộng, băng
đồng trên 20 cây số. Ba gánh tôi và em tôi (hai đứa út).
Dân Ba Chúc theo đạo Hiếu Nghĩa. Nhằm những ngày tết
người ta kiêng kỵ không cho giã gạo, sợ động thổ. Ba tôi phải giã từng
lon bằng chày đâm tiêu.
Ông bà nội tôi đã mất từ lâu. Sống cơ cực nơi xứ lạ quê người,
nỗi nhớ nhà da diết, chúng tôi nhất loạt đòi về quê.
Năm sau gia đình tôi lại chạy giặc, lần này ba đưa cả nhà ra Châu
Đốc, ở luôn đến nay.
Tôi là một con nhỏ nhà quê, nhút nhát, gặp gì cũng sợ. Thấy xe
hơi là chui xuống sàn trốn. Thấy cứt dê tròn tròn thường lượm về
chơi. Đúng là “dân nhà quê, thấy cứt dê hô thuốc tễ”.