trá lường gạt người khác. Những điều nhân nghĩa mẹ biết được từ
ông bà truyền lại đem ra dạy hết cho tôi.
Tôi bắt đầu lục lạo trong trí mình, điểm qua những nghề tay
chân như thợ mộc, thợ hồ, thợ hớt tóc..., tôi thấy không hợp. Để cho
mẹ yên lòng, tôi thưa: “Hay là mẹ mua cho con một chiếc xe ba gác,
con đi chở thuê đồ vật liệu xây dựng”. Mẹ im lặng chẳng nói gì. Tôi
biết trong thâm tâm mẹ không muốn cho tôi dầm mưa dãi nắng.
Mẹ sợ tôi khổ cực kham không nổi. Bẵng đi một thời gian. Một hôm
mẹ có ý muốn tôi học nghề may. Tôi không mặn mà gì. Nghề may
giỏi lắm sau này chỉ đủ hai bữa cơm, không có tương lai, nhưng tôi
chiều theo ý mẹ để mẹ vui.
Chuyện đi học may của tôi cả một trời nhiêu khê, ít người thầy
muốn nhận tôi vào học, bởi “khiếm thính làm sao truyền nghề”,
hay rõ hơn là cái tính ích kỷ muốn giấu nghề của người ta, có nơi
tôi học ròng rã cả ba tháng trời mà may cái quần đùi không nên. Mãi
đến lần thứ ba, tôi may mắn gặp được người thầy tốt bụng. Ông
tận tụy truyền nghề cho tôi, viên phấn mà thường ngày ông cắt
đồ, ông viết hẳn lên tấm vải, giải nghĩa cho tôi những đường nét
tinh tế của nghề. Nhờ vậy tôi tiếp thu khá nhanh, hai năm sau tôi
có thể tự kiếm sống bằng nghề may được.
Có được một nghề nuôi thân, giờ đây mẹ tôi muốn cho tôi được
yên bề gia thất, bà thúc tôi lấy vợ. Tôi lần lữa mãi không trả lời
dứt khoát, nhiều đêm nằm gác tay lên trán suy nghĩ cô gái nào lại
chịu ưng người chồng khuyết tật như mình. Một hôm mẹ bảo: “Mẹ
đã chọn rồi, con bà Bảy ở cuối làng, con đồng ý coi như xong
xuôi”. Tôi giật mình, người con gái tôi biết nhưng không quen, chưa
có một lời trao đổi với nhau, thi thoảng chỉ gặp nhau bởi là người