116
•
CHUYEÅN HOÙA SAÂN HAÄN
chứng minh, sống, làm việc và giải quyết vấn đề hoàn toàn
khác họ. Lúc đó, phiền não có thể xuất hiện một chiều. Tuy
nhiên, theo nguyên tắc của sự tương nhượng, người ứng xử
không cho phép bất mãn, nổi nóng vì điều đó dễ biến hai
người thành chiều đối lập và phiền não gia tăng.
Khi nội kết trong đối tác xuất hiện, cố gắng nỗ lực
tháo gỡ để giới hạn trong phạm vi một chiều, rồi dần
dần thuyết phục họ tháo gỡ sự bế tắc. Không giữ nội kết
trong tâm sẽ giúp đối phương khó tính đến một lúc nào đó
nhìn thấy được cách nói, ứng xử của họ không còn thích
hợp. Do vậy, phải chuyển hoá theo hướng tích cực. Nếu
không khéo, con người sẽ tạo ra rất nhiều mâu thuẫn với
nhau, đặc biệt là người yêu quý, gần gũi nhất. Quan hệ
tình thân, tình thương càng nhiều thì sự chấp mắc càng
lớn. Người ta có thể lý luận, đây là chồng, vợ, con,
em, người thân… của tôi nên họ không được làm những
chuyện như thế vì đã quá hiểu tôi. Trên thực tế, mặc dù có
những khổ đau diễn ra trong gia đình rất tình cờ, không hề
được sắp xếp trước, hoặc do sự hiểu lầm nhưng khi gán
tính tác giả của nỗi đau vào người thân thì cảm xúc chấp
trước quan niệm họ là nạn nhân của bất hạnh. Gán tính tác
giả việc xấu vào người nào đó sẽ làm cho quan hệ an vui,
hạnh phúc của người đó bị tan nát thành từng mảnh vụn.
Do con người có thói quen chấp trước, cho rằng người
thân luôn mang lại khổ đau cho mình, tất cả niềm an vui
hạnh phúc đã bị người thân cướp mất, lúc đầu cơn giận
dữ không đáng kể, nhưng lâu dài lại lớn không thể tưởng
tượng. Làm vậy là vô tình khiến người thân không còn
thế đứng. Giống như cây cầu gãy làm hai hoặc chiếc ly
bể ra thành nhiều mảnh, hay chén cơm vừa ăn đã bị nôn
ra. Không buông được cảm xúc khổ đau sẽ gây nguy hiểm
cho sức khoẻ và hạnh phúc.