“Đùa ư?” tôi nói, hết sức hoang mang. Đấy không thể chỉ là đùa. Chẳng
lẽ tôi đã làm điều táo tợn, liều chiếm lấy tri thức, chỉ vì một câu đùa? “Đùa
thế nào cơ?”
“Cô biết đám học trò nam là thế nào rồi đấy,” ông nói. Trong tiếng cười
có chút luyến nhớ, giờ tôi hiểu, tiếng cười khoan hậu với kẻ đã là mình.
Ông đứng dậy, qua phòng tới tủ sách, lấy một cuốn khỏi kho tàng; nhưng
không phải từ điển. Là một cuốn sách cũ, xem ra là sách giáo khoa, mép
quăn queo, dây đầy mực. Trước khi đưa tôi ông lật qua, trầm ngâm, hồi
tưởng, rồi “Đây,” ông nói, đặt mở trên bàn trước mặt tôi.
Tôi nhìn thấy trước hết là bức hình: Vệ nữ thành Milo, ảnh chụp đen
trắng, có thêm ria mép và áo ngực màu đen với lông nách nguệch ngoạc vẽ
vào. Trang kia là đấu trường La Mã, có chú tiếng Anh, và bên dưới, chia
động từ: sum es est, sumus estis sunt. “Đây này,” ông chỉ vào đó, và bên lề,
tôi thấy nó, cùng màu mực đã gắn lông cho Vệ nữ. Nolite te bastardies
carborundorum.
“Cũng hơi khó giải thích buồn cười ở chỗ nào trừ khi cô biết tiếng La
tinh,” ông nói. “Ngày xưa chúng tôi từng viết đủ loại như thế. Tôi cũng
không biết từ đâu ra, chắc lớp lớn dạy cho.” Quên bẵng tôi và cả chính
mình, ông giở từng trang. “Nhìn cái này,” ông nói. Bức tranh tên Phụ nữ tộc
Sabine, và vạch bên lề: pim pis pit, pimus pistis pants. “Còn có một câu
nữa,” ông nói. “Cim, cis, cit...” Ông đứt quãng, trở lại hiện thời, ngượng
nghịu. Ông ta lại cười, lần này có thể gọi là nhe nhởn. Tôi hình dung ông
với tàn nhang, với vết bò liếm. Lúc này tôi gần như thích ông.
“Nhưng nghĩa nó là gì?” tôi hỏi.
“Cái nào?” ông hỏi. “À. Nó nghĩa là, ‘Đừng để quân chó đẻ nghiền nát
nhà ngươi.’ Tôi nghĩ lũ chúng tôi tự cho mình thông minh lắm, hồi ấy.”
Tôi nặn ra nụ cười, nhưng giờ thì tất cả đã rõ. Tôi hiểu được vì sao cô ấy
viết câu này, trên vách tủ, nhưng cũng hiểu rằng cô phải biết được câu đó từ
đây, trong phòng này. Còn đâu nữa? Cô chưa bao giờ là một học trò nam.
Biết ông, trong một buổi hồi tưởng ấu thơ, một dịp trao đổi tâm tình tiền lệ.