đều ở vùng gần Hoàng Giang của Hoa Lư, kể cả lúc Phí Lang chiếm
hành cung Ứng Phong ở hạ lưu sông Đáy nên ta ngờ rằng họ đã phối
hợp được với cuộc loạn của “kẻ mạo danh con cháu Đinh Tiên Hoàng”
trên vùng Thanh Nghệ từ năm 1198, và kéo dài dấu vết đến năm 1214,
Trần thắng (1215 ĐVSL ghi: thua). Có nhóm phía tây kinh thành, vùng
ông thần Lý Phục Man với tướng quân Cam Giá Phan/“phiên” Cụ,
nhóm vùng phía bắc nơi mang dấu vết xây cất của tù binh, một lúc
được Nguyễn Nộn chiếm lĩnh, thu phục tướng Chàm Phan/“phiên” Ma
Lôi được sử quan khen “có tài chủ động đánh thắng, dùng binh như
thần”. Không phải chỉ tên người mà có cả tên sản phẩm nón Ma Lôi
danh tiếng, không biết có phải nơi viên tướng kia đã là chủ nhân hay
không. Nhưng có lẽ cũng bởi gốc tù binh lạc loài mà tất cả đã không
làm nên việc lớn.
Loạn quân tập họp thành nhóm mang tính khu vực mà dấu hiệu
danh xưng còn ghi lại cho thấy sự xáo trộn lớn là ở vùng hạ du, lúc
này nổi bật trên chính trường: nhóm lộ/hương/châu Hồng, Khoái, Nam
Sách, Thuận Lưu (của Trần)... Vì thế ta không lấy làm lạ về sự kiện
Trần Lý bị các nhóm khác giết. Họ Trần lúc đầu cũng chỉ là “giặc” để
bảo vệ bản thân, để tồn tại, và có lẽ từ tính thuần nhất của tập họp bộ
tộc, của khả năng chống chọi với sông nước, thiên nhiên, họ có sức
mạnh ban đầu để bung ra, phát triển lớn. Tuy nhiên lại cũng không
phải có được sự dễ dàng, suôn sẻ trên đường tiến chiếm quyền lực.
Trần Tự Khánh lên thay Trần Lý, không nhiều tự tín cho đến khi
móc nối được với thế lực địa phương Lý trở cờ như Phùng Tá Chu,
Phạm Kính Ân, với các nhóm cung đình và các tướng tù binh Chàm
tan rã, như “tướng quân Phù Lạc” (vùng quanh Phù Đổng với các tên
“phù”?) là Phan/“phiên” Thế (1214), “Tướng quân Cam Giá”
Phan/“phiên” Cụ, thượng tướng quân Phan/“phiên” Lân, người được
Toàn thư tán dương, cho là năm 1217 cùng với Tự Khánh “xếp đặt
quân ngũ, chế tạo binh khí, luyện tập võ nghệ, quân thế dần dần phấn
chấn”. Rối rắm buổi đầu cho thấy Trần lại cũng xung đột với nhóm