đã có những truyện thơ nôm, có tên tác giả chính là những quan chức
cao cấp, không cần phải xấu hổ giấu giếm, khác miền Bắc với Trinh
thử, Trê cóc mang văn từ khúc khuỷu, không thấy ai nhận là chủ nhân.
Thể thơ lục bát nhờ các đại biểu rỡ ràng như Truyện Kiều nên khiến có
người cho là gốc Việt “vì dân tộc Việt có đủ mọi điều kiện để tạo nên
(nó)... không phải vay mượn từ (ai) khác”, nhưng nếu nhìn vào sự
tương cận văn thể và sự tiếp xúc của các tập họp Chàm Việt trong quá
khứ ở phía bắc cả từ thế kỷ X, nhìn vào tiến trình thể loại, với các
truyện thơ phía nam chưa hoàn chỉnh (như Truyện Song tinh), dấu vết
rõ ràng sơ khởi của lục bát, thì cũng nên nén tự ái mà xem thử nó có
gốc Chàm hay không.
Thế là với dạng chữ biểu hiện trực tiếp lời nói, các nho sĩ có
phương tiện tỏ bày tâm tình của mình dàn trải hơn, thành thực hơn.
Tất nhiên lúc này không thể có một thứ văn chương cá nhân chủ nghĩa
xuất hiện ở Đại Việt, nơi một thể chế chính trị còn kềm hãm con người
theo với một cơ sở đạo lý đem từ phương Bắc, càng lúc càng khắc
nghiệt. Người ta phải lén lút náu hình, “núp bóng đàn bà”: Tần cung
nữ oán Bái Công văn, Cung oán ngâm khúc. Nhà nho khi mượn lời nữ
đã trở thành lại cái. Sự biến hình, dù trong tâm tưởng, và vô ý thức,
cũng đã có nguyên nhân từ sự đè nén của quyền lực chính trị, của đạo
lý gay gắt bóp mềm con người. Dạng hình mượn (làm người nữ) phối
hợp với sự mềm yếu tâm tính, đủ cho sự giả trang của nho thần che
mắt được quyền lực bên trên. Và thế là Đại Việt có một thành phần
văn chương lại cái.
Lúc sơ khởi, và cũng có thể vì khả năng tác giả, sự giả trang còn
lộ nét vụng về. Người cung nữ của Ôn Như Hầu lộ rõ chân tướng võ
biền:
Dang tay muốn dứt tơ hồng,
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra!