Nhưng nho sĩ lại xuất thân từ đám dân chúng không những đã mờ
mịt với lời thánh dạy mà lại còn có lối sống thường trực không còn gì
xa hơn: sự biểu lộ dục tính đối với họ là bình thường mà lại là những
điều nho sĩ không nói ra được, vì không có chữ để diễn tả. Hãy đọc lại
những bài thơ văn chữ Hán bị ràng buộc từ trong lúc luyện tập thi cử
mà họ chưa thoát nổi dù là để đem ra thù tạc, ngâm vịnh riêng tư.
Vòng kềm tỏa của chữ Hán với nội dung được học tập khiến họ chỉ có
thể trôi nổi trong các sáo ngữ, không dính líu gì tới cuộc sống thật của
họ, cuộc sống vốn gắn liền với những suy nghĩ bằng ngôn từ bản xứ,
thế mà lại chưa có hình thức biểu hiện: chữ viết. Cố gắng tìm ra một
dạng chữ thì quốc ngữ ấy cũng còn bị ràng buộc bằng chữ Hán vay
mượn. Tuy nhiên, có còn hơn không, và thứ văn tự nôm đó cũng phải
trải qua một thời gian dài để thành hình. Ta có thể bắt đầu với bài thơ
của chàng điếm Ô Lôi ở LNCQ và thơ quốc ngữ của Nguyễn Trãi,
Nguyễn Bỉnh Khiêm để thấy chặng đường hình thành gập ghềnh như
thế nào. Hai chữ “song viết” đang làm khổ người nghiên cứu ngày
nay, chắc cũng phải làm cực nhọc người xưa không ít.
Chỉ đến khi loạn lạc tiếp theo làm giảm bớt áp lực kinh sách,
đồng thời với đường tiến thân bằng khoa cử tuy vẫn còn đều đặn theo
lối nhân tuần nhưng không còn là lối duy nhất dẫn đến quyền tước,
sang giàu, lúc đó chữ quốc ngữ nôm mới phát triển theo với đà tiến lên
đông đúc của đám người ít học (nho). Loạn lạc, võ tướng cũng làm
quan được; Trịnh cần tay chân nhiều nên hoạn quan cũng chẳng cần
học cho lắm. Giao thương mở rộng, thương nhân tuy không được sử
quan hé mở cho một lời mà vẫn hiện diện, dù nhỏ nhoi, bên cạnh các
thái giám, trên bia đá lưu truyền hậu thế, kể chuyện làm chùa, xây
đình, mở chợ... cả khi đem tiền giúp cho làng xã thanh toán việc quan.
Cho nên thế kỷ XVIII, nhất là nửa sau, đã thấy sự phồn tạp của sách
vở chữ nôm khiến cho chúa Trịnh đại diện chính giáo thấy địa vị chữ
thánh hiền lung lay, phải lên tiếng ngăn cấm. Đàng Trong đặc biệt
hơn, vì ít nhiều thoát ra ngoài áp lực của kinh sách nên từ thế kỷ XVII