thỏa mãn một ẩn ức có thật, lâu dài, phổ biến trong dân chúng, trong
tầng lớp họ. Và điều này thì lại phải đợi đến khi Nho giáo tàn tạ, khoa
cử bãi bỏ để cái giống bị đè nén lâu ngày, nổi lên. (Xem Đào Thái
Tôn, Hồ Xuân Hương - Tiểu sử - Văn bản - Tiến trình huyền thoại hóa,
Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội 1999. Chú ý các năm xuất hiện loại thơ
này). Lấy ví dụ bài thơ “Vịnh Cái quạt”:
Mười bảy hay là mười tám đây?
Cho ta âu yếm chẳng rời tay...
Rõ ràng đây không phải là nũng nịu đòi hỏi của người nữ mà là
chuyện mơ tưởng của anh chàng An Nam tây kiểu Xuân Diệu, vì với
“truyền thống” thì tuổi lý tưởng trọn vẹn của người con gái là 15, 16.
(Xuân xanh nay độ trăng tròn lẻ, lời gán cho Nguyễn Thị Lộ của thời
văn thơ Nguyễn Trãi còn khấp khểnh gập ghềnh như chuyến tiễn đưa
nàng Kiều về thanh lâu).
Nhà nho chỉ đổi giống tâm tình, khác với một loại đồng liêu khác,
thay đổi thể xác mà có khi tâm tình, thể chất còn nguyên là đàn ông:
các hoạn quan.
GIỐNG GIỮA: TÔI ĐÒI VÀ QUYỀN LỰC
Hoạn quan là chỉ một tầng lớp quan chức tôi đòi nằm trong cung
đình Trung Quốc và các nước chung ảnh hưởng: Việt Nam, Triều
Tiên. “Hoạn” có nghĩa là thiến. Thiến là một hình phạt, trước khi có
tình trạng con vật bị thiến được đem ra sử dụng. Điều này có vẻ như
chứng minh tính chất ưu thế đàn ông trong mọi tổ chức xã hội loài
người. Người có quyền lực thiến kẻ thất thế hơn để bảo vệ giống cái
của mình, để trừng phạt kẻ kia sử dụng cái quyền của giống đực mà
mình được hưởng.
Hình luật của xứ Assyrie (1450-1250 TCN., khoảng vùng Iraq
ngày nay) cho phép người chồng bắt gặp vợ ngoại tình thì có quyền,