hoặc giết cả hai hoặc cắt mũi vợ và thiến tình địch. Trung Quốc có luật
thiến kẻ phạm tội hình sự, gọi là “cung hình”. Quan chức nổi danh bị
thiến là tác giả Sử ký, Tư Mã Thiên (145 - khoảng 90 TCN.) bị đưa
vào “tàm thất” vì tội bênh Lý Lăng hàng Hung Nô. Hình luật của
người Do Thái có cách dùng đá đập nát hoặc cắt bỏ bộ phận sinh dục.
Ảnh hưởng truyền đến Kinh Thánh, cho rằng những người ấy “không
xứng đáng đứng vào hàng ngũ dân Chúa” (Deuteronomy). Có lẽ một
phần vì vậy mà giáo hội Thiên Chúa thường không dùng người thiến -
trừ trong một dàn đồng ca bị Giáo hoàng Leo XIII bãi bỏ năm 1878
(Sex..., tr. 146-254). Tuy nhiên các quan quyền, vua chúa lại thấy
người nam mất khả năng sinh dục là phương tiện hiệu quả để giữ gìn
gia đình mình, cần thiết đến nỗi khi không được cung cấp đủ nhu cầu
thì bắt dân thuộc quốc, dân bại trận kiếm người điền thế như Darius
đối với dân Assyrie, nhà Minh đối với Trần, Hồ (1395, 1407).
... Thị ngóng, thị trông, thị không cái ấy
Tổ chức vốn phát xuất từ Trung Quốc nên ngoài chữ hoạn quan,
thái giám, trong sử sách ta còn gặp các tên nội quan chỉ chức trách
chung bên trong cung đình: người áo xanh/thanh sam chỉ quy chế y
phục (của đầy tớ), trung quan, trung quyên để chỉ tình trạng lơ lửng
của cái giống, cũng ẻo lả mà không phải là thuyền quyên, đàn bà con
gái thực sự. Chức phận tôi đòi hầu hạ khiến người ta mượn tính cách
đồng âm của chữ để diễn ra cả một vế câu đối, trong đó chỉ được tính
cách đích thực của loại người mất khả năng làm loạn cung đình về
phương diện sinh lý, để vua an tâm cai trị thần dân: thị không cái-ấy.
Trong thực tế thì hoạn quan không phải chỉ là người bị thiến mà đúng
còn là kẻ bẩm sinh có phương tiện sinh dục của đàn ông không hoàn
hảo, những kẻ được gọi là có “ẩn cung” như trường hợp Lê Văn
Duyệt. (Có thể Tống Phúc Đạm cũng vậy nếu ta bám vào chữ của sử
quan được dùng là “tật ngầm” chứ không phải là “bệnh” - nhưng ông
này không phải kẻ hầu trong cung cấm). Trường hợp gọi là “ẩn cung”