hoa quỳ hướng theo, mang tên khác: hướng dương. Lòng quỳ một dạ
hướng dương. Ý nghĩa trách vụ và tâm cảm của hoạn quan cũng tương
tự. Một linh mục qua Trung Quốc, viết về các mặt sinh hoạt không
thường được nói ra, trong đó có cả chuyện về Cái bang gần gần như
thứ ông Kim Dung làm mê thanh niên Việt. Tên sách âm theo lối La
Tinh nhưng dễ nhận ra, và tấm hình kèm theo cho thấy ‘“chuyên gia”
mà R. Tannahill biết người La Mã gọi là “barbers”, đã làm thật gọn
(“shave”) (LM. ?, ?, Bibliothèque Payot, 1949, 1950?)
Ở vùng quê miền Nam Trung Bộ, trước 1945 vẫn thường có
những người đàn ông đi dạo làm nghề thiến gà trống, chó, heo. Tiếng
rao “heo, THIẾN... đây” có khi kèm theo tiếng ống tiêu thổi đã làm
cho bầy chó đuổi theo sủa vang cả xóm làng, trẻ con chạy trốn vì sợ,
khiến sản sinh ra câu mắng: “Mặt như thằng thiến heo!” Họ dùng lọ
nghẹ (bụi than thường ở đít nồi trã), nghệ và muối bôi lên vết mổ để
cầm máu, và xong! Đôi khi vừa mới luồn tay dưới bụng, gà kêu “ót”
một tiếng, lăn quay ra. Cũng có lúc vài ngày sau con heo mới chết.
Không hề gì, rủi ro của khoa giải phẫu lúc nào cũng có. Thợ thiến -
người hẳn có chuyên môn cao cấp hơn, tuy ta không nghe nói đến.
Người La Mã còn để lại cho đời một loại dụng cụ thiến hoàn hảo, dọn
sạch cả hai phần. Người bị thiến nằm nghỉ nơi được sưởi ấm, không
có gió máy, vì thế ta mới thấy Tư Mã Thiên thọ phạt mà được gọi là
gởi vào “tàm thất” (nhà nuôi tằm). Trần Nhân Tông đi dạo, thấy người
trong mộng, bảo hoạn để vào hầu, đặt tên là Phạm Ứng Mộng (1254).
(Hành trạng người này được chép sai có vẻ giống như của Mạc Hiển
Tích đời Lý, vì thấy ông ta còn sống đến hơn một trăm năm sau, cuối
đời Minh Tông, đòi chết thế thân cho vua, 1357), Sử ghi rằng tiền cho
để thiến lên đến 400 quan. Đó là một số tiền khá lớn, vì Lê Tắc cho
biết (An Nam chí lược, tr. 222), chắc là cùng thời với ông quan hoạn
(“đời gần đây”, Tắc hàng Nguyên năm 1285), gian phu bị bắt gặp
muốn khỏi bị giết phải nạp 300 quan chuộc mạng. So sánh ra thì thấy
việc thiến có vẻ không bảo đảm thành công cho lắm!