Vì là tập tục truyền từ Trung Quốc nên chắc hoạn quan Việt cũng
đối xử tương tự với “bảo vật” họ phải chia lìa. Một thuyết cho rằng tu
sĩ thờ nữ thần phồn thực Sybèle ở La Mã, sau khi tự thiến liền cầm
bảo vật chạy tung ngoài đường cho đến khi mệt đuối mới ném qua cửa
sổ một ngôi nhà gần đấy. Nhưng thông thường hơn, là họ kiếm một
chỗ chôn theo nghi lễ. Người Trung Hoa lại giữ gìn thật kỹ trong một
hộp kín để trên kệ, chờ ngày chết chôn theo cho thân xác tròn vẹn.
Mãi đến cuối thế kỷ XIX, hoạn quan còn phải đem trình diện cho
trưởng thái giám làm bằng cớ trong những dịp thăng thưởng.
Thị là hầu... thị mang cái ấy
Thông thường, khi nói đến người hầu hạ trong cung là người ta
nghĩ ngay đến người bị thiến. Sai lầm ở bên ngoài dân chúng vốn cũng
là do sử quan mà ra. Phê bình chuyện Giản Định Đế nghe lời “nội
nhân” giết công thần (1409), Ngô Sĩ Liên nói rõ đó là “hoạn quan”.
Chữ “nội thị” cũng mang lại cùng một lầm lạc. Từ hải không cho thấy
có chữ “thị” nào mang nghĩa là hoạn quan cả. “Người trong nhà”,
“người hầu cận” đều được sử gia cho hiểu là “người bị thiến” trong
lúc thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Sứ giả Tống Cảo thấy Lê
Hoàn đánh đòn người hầu, đuổi ra, cho phục chức, những người này
không phải lúc nào cũng bị thiến. Tước Phúc hầu của Đỗ Thích đời
Đinh mang chữ “hoành” đi theo cho thấy đó là “quan nô bộc”. Cho
nên, lại cũng như chuyện “cắn cu”, chỉ có sử quan trước Ngô Sĩ Liên
mới “thực thà” hơn để chỉ rõ như thế nào là hoạn quan:
“Mùa đông (năm 1184), sách Tư Nông, sách Trịnh, sách Ô Mễ
làm phản, vua sai quan thái phó là Vương Nhân Tử đánh dẹp.
Vương Nhân Tử sai người trong châu là Phạm Phẩm đóng giữ
nơi ải ông Trọng, Trương Nhạn và Phạm Đỗ đóng giữ làng
(sách?) Bái, Đoàn Tùng đóng giữ Khả Lão. Rồi Vương Nhân Tử
đánh thẳng vào hai sách Đăng Bái và Vạn Mễ mà san bằng đi.