bảo là họ không còn trồng trọt nữa và cho khách du lịch nghỉ lại vào mùa
hè.”
“Nghe đi! Đó là tiếng còi tàu hú trong đường hầm!” Julian bỗng kêu lên.
“Nhanh lên, George. Chúng ta không đến kịp mất!”
Bốn đứa trẻ và Timothy nhìn con tàu lao ra khỏi đường hầm và xình
xịch vào ga. Ngựa phi nước kiệu thật nhanh. Chúng đến vừa kịp giờ.
“Ai sẽ qua đó đón gia sư?” George hỏi trong khi chúng tiến vào khoảnh
sân nhỏ của nhà ga. “Không phải tôi nhé. Tôi phải trông Tim và ngựa.”
“Em cũng không muốn đi,” Anne nói. “Em sẽ ở lại với George.”
“Ồ, vậy thì chúng ta nên đi thôi,” Julian trả lời, rồi cậu cùng Dick nhảy
khỏi xe. Chúng chạy ra chỗ tàu đỗ vừa đúng lúc đoàn tàu dừng hẳn.
Không có nhiều người bước ra từ các toa. Một phụ nữ trèo xuống, tay
ôm giỏ. Một cậu thanh niên nhảy ra, miệng huýt sáo, cậu ta là con trai
người làm bánh trong làng. Một ông già khó nhọc xuống tàu. Thầy gia sư
không thể là một trong mấy người đó!
Rồi, ở đúng toa phía trên, một người đàn ông bộ dạng kỳ cục bước ra.
Ông ta thấp và to con, để râu quai nón như thủy thủ. Mắt ông ta xanh lơ,
sáng quắc và mái tóc dày điểm những sợi xám bạc. Ông ta liếc ngang liếc
dọc sân ga rồi ra hiệu cho người phu khuân đồ.
“Chắc là thầy Roland kia rồi,” Julian nói với Dick.
“Đi thôi, lại hỏi thăm ông ta. Quanh đây chẳng còn ai có khả năng nữa.”
Hai đứa đi tới chỗ người đàn ông râu quai nón. “Thưa thầy, thầy là thầy
Roland phải không ạ?” cậu hỏi.
“Phải,” người đàn ông đáp. “Ta đoán hai cậu là Julian và Dick?”
“Vâng, thưa thầy,” hai đứa đồng thanh trả lời. “Chúng em đánh xe ngựa
đến đón thầy.”
“Ồ, tốt,” thầy Roland nói. Đôi mắt xanh của ông ta nhìn hai thằng con
trai từ đầu đến chân, rồi ông ta mỉm cười. Julian và Dick thấy thích ông ta.