“ Chăm học như thế chắc cháu học giỏi lắm phải không? “ Hải Phượng xen
vào.
“ Vâng ạ, cháu được năm bông hoa đấy! Cả lớp chỉ có mỗi mình cháu được
năm bông hoa. Các bạn khác chỉ có ba bốn bông hoa thôi. Cháu còn được
đi thi bé khỏe bé ngoan trên huyện đấy. “
Người đàn bà đưa tay vỗ nhẹ lên mông con:
“ Con ra ngoài ăn bánh. Khi nào khát nước thì vào lấy nhé? “
Bé My nhảy chân sáo ra ngoài. Hải Phượng và người phụ nữ nhìn theo.
“ Cháu đáng yêu quá, “ Hải Phượng nói, “ chắc là ba cháu cưng chiều lắm
nhỉ? “
Mắt người đàn bà bỗng tối sầm lại, đôi môi mấp máy như muốn nói điều gì
đó. Cảm thấy có điều gì bất ổn, Hải Phượng vội lảng sang chuyện khác:
“ Chị sống cùng gia đình chứ? “
“ Không, tôi sống riêng. Tôi có căn nhà nhỏ nằm gần trung tâm thị xã. Hiệu
may của tôi lúc nào cũng đông khách. Gặp những dịp lễ Tết tôi phải làm
thâu đêm để kịp giao hàng cho khách. Tôi chỉ nhận may y phục phụ nữ, đặc
biệt là áo dài. Y phục nam, tôi cắt không được khéo. Nói chung về kinh tế,
tôi chẳng phải lo lắng gì. Tôi đang dành dụm tiền để cất lại ngôi nhà từ lúc
mua chưa một lần sửa sang đã xuống cấp thê thảm. Tôi chẳng có ai thân
thích ngoài mẹ tôi. Bà sống Vĩnh Long, cách chỗ tôi ở khoảng hai mươi cây
số. Tôi đã nhiều lần khuyên bà dọn về ở với tôi cho có mẹ có con nhưng bà
không chịu, tôi đành phải tôn trọng quyết định của bà. Có vẻ, bà muốn
tránh mặt tôi. “
“ Tại sao mẹ chị lại muốn tránh mặt chị? “ Hải Phượng nói, “ phải chăng
giữa hai người đã xảy ra mối bất hòa sâu sắc? “
Người phụ nữ thừ người một lúc lâu, gương mặt đăm chiêu như đang đắm
chìm theo dòng hồi ức xa xăm.
“ Vâng, bà ấy đã từng có lỗi với tôi, “ người đàn bà thở dài thườn thượt. “
Đã nhiều lần tôi tự hỏi, tại sao bà ấy lại nhẫn tâm với tôi như thế. Tại sao
bà ấy có thể dửng dưng trước nỗi đau con cái. “ Người đàn bà im lặng một
lúc rồi bắt đầu giọng nói nhẹ nhàng hơn. “ Đã có thời gian căm thù bà ấy
hơn tất cả những gì trên thế gian này. Tôi đã không xem bà ấy là mẹ suốt