khác mà tổ chức mừng lễ Nô-en là phi lý, nhưng bà giảng cho Liza một bài
về đạo Thiên Chúa, đạo Hồi và đạo Phật.
Một hôm, trước sinh nhật thứ mười một của Liza một ít, trong lúc em lục
lọi trong hộc bàn giấy của mẹ để tìm một tập giấy trắng có kẻ hàng, em
thấy có một bức thư Bruno viết. Em liền nhận ra ngay chữ viết của Bruno.
Tuy không có ai nói với Liza, nhưng em biết xem lén thư của người khác là
một điều xấu. Điều đó chắc là do em đọc được trong các quyển sách của
thời triều đại nữ hoàng Victoria có trong thư viện của lâu đài Shrove, trong
đó có tác phẩm của Charlotte M. Yonge và của France Hodgson Burnett.
Nhưng điều đó không ngăn cản em đọc thư của Bruno.
Mẹ đã lên trên gác. Liza nghe tiếng chân của mẹ trên đầu mình. Liza đọc
địa chỉ, một nơi có tên là Cheadle, mới viết tuần trước, ngày tháng ghi ở
đầu trang của bức thư. Thư mở đầu với câu “Eve xinh đep yêu dấu của
anh”. Liza nhăn mũi nhưng tiếp tục đọc. “Không có em, anh cảm thấy thiếu
thốn vô cùng. Anh rất muốn gọi điện thoại cho em, với cái tuổi của chúng
ta mà ngày nay không thể gọi điện thoại cho nhau được thì thật là kỳ cục.
Em hãy vui lòng gọi cho anh đi. Em có thể gọi điện thoại cho anh bằng
Collect Call (bên phía người nghe trả tiền), nếu em sợ John Tobias kiếm
chuyện lôi thôi. Bây giờ ma măng mất rồi, anh không còn túng thiếu nữa.
Em biết không? Nay không còn phải chờ đợi lâu lắm nữa, anh phải lo tất cả
các vấn đề thừa kế, quả thật không thể khác được, bây giờ anh phải ép
mình đè nén sự ham muốn em. Chỉ một việc nghe được tiếng của em cũng
sẽ là...”
Nghe tiếng chân của mẹ trong cầu thang, Liza phải ngừng lại không dám
lật qua trang sau. Em không hiểu Collect Call là gì, nhưng trái lại em hiểu
rất rõ nghĩa câu “bây giờ không còn phải chờ đợi lâu lắm nữa”. Ông ta sắp
trở lại đây. Liza tự hỏi bằng cách nào cái chết của mẹ ông ta đã làm cho
ông ta không còn nghèo nữa, rồi nhớ lại câu chuyện về lâu đài Shrove và cụ
già Tobias, em liền hiểu ra.