- Tại sao người làng lại gọi bà là bà Bính ba càng ?
Bà Bính mỉm cười nói :
- Không phải gọi bà đâu, mà họ gọi ông cháu đấy. Ban đầu họ gọi bà là bà
Bính vợ ông bà càng. Nhưng gọi mãi thành ra là bà Bính ba càng, gọi mãi
rồi chết tên bà luôn.
- Có phải chồng rồi hai con trai bà đều hy sinh cả phải không ?
- Phải. Hồi đó chiến tranh liên miên lắm cháu ạ. Đầu tiên là ông cháu hy
sinh từ thời chống Pháp. Rồi đến thời chống Mỹ thì hai anh em chúng nó
cũng lần lượt bỏ bà đi nốt.
Tôi nhìn bà lão im lặng ngồi bên rổ rau với cái lưng đã còng xuống bởi
gánh nặng của thời gian, bởi những nỗi đau mất mát mà bà đã phải âm
thầm gánh chịu bao năm qua...
Sau một lần đi picnic tắm mưa, tôi bị một trận sốt tơi bời. Người nóng sốt
hầm hập và mê man đi. Nhưng bất cứ lúc nào tỉnh dậy, tôi đều thấy bà Bính
ở cạnh bên giường. Bà đắp khăn nhúng nước lạnh lên trán tôi để hạ nhiệt.
Rồi bắt tôi uống thuốc hay kiên nhẫn bón cho tôi từng thìa cháo, chén sữa
để cho tôi mau chóng lại sức. Và quả nhiên tôi đã mau chóng lại sức thật
khi cơn sốt từ từ qua đi.
Một đêm tỉnh dậy, tôi thấy bà Bính ngồi bất động bên cạnh giường tôi. Cái
bóng nhỏ bé gày gò và mái tóc trắng của bà rung lên trong một cơn thổn
thức.
- Bà ơi sao bà lại khóc. Tôi lên tiếng hỏi bà.
Bà Bính vội chùi mắt bằng ống tay áo cánh, rồi nói :”Không, bà có khóc
đâu. Ồ, cháu của bà thức dậy rồi à”
- Cháu đã dậy từ lâu và thấy bà đang khóc.
Bà Bính vuốt tóc tôi và khẽ nói, giọng bà xa xăm và như tự nói với chính
mình :
- Mỗi lần chăm sóc các cháu bị nóng sốt thế này thì bà cảm thấy sung
sướng lắm. Nó làm cho bà nhớ đến các con của bà. Ngày xưa mỗi khi thằng
Khải hay thằng Quân bị ốm thì đều được bà thức khuya dậy sớm chăm sóc
cho chúng như chăm cho cháu bây vậy.
- Bà kể cho cháu nghe về chuyện các cậu ấy đi bà. Tôi giả vờ nhõng nhẽo