thụ lâu đời nhất và to lớn nhất trong suốt một vùng rộng lớn tới hai dặm.
Barbeau là một con người gan dạ, không độc ác, thiết tha gắn bó với gia
đình, nhưng không vì vậy mà ứng xử bất công với xóm giềng và bà con trong
giáo khu.
Ông đã có ba con khi bà Barbeau sinh thêm cho ông một lúc hai đứa nữa,
hai chú bé sinh đôi kháu khỉnh, chắc hẳn vì bà thấy gia đình đủ sức nuôi năm
đứa và mình phải “tranh thủ” vì tuổi đã bắt đầu lớn. Chúng giống nhau tựa
hai giọt nước, hầu như không sao phân biệt nổi, nên bà con trong vùng rất
sớm nhận ra đó là hai “Betxông”, nghĩa là hai anh em sinh đôi giống nhau
như lột.
Đón nhận hai chú bé trong chiếc tạp dề của mình khi chúng cất tiếng chào
đời, bà mụ Sagette không quên dùng kim khâu, xăm cho đứa ra trước một
chữ thập nhỏ trên cánh tay, vì - theo lời bà - một mẩu rubăng, hay một chiếc
vòng cổ có thể gây nhầm lẫn và làm mất quyền của thằng anh. Khi đứa bé đủ
cứng cáp thì phải tạo cho nó - theo lời bà - một dấu vết không bao giờ bị xóa
nhòa; và người ta không quên làm theo lời ấy. Thằng anh được đặt tên là
Sylvain, ít lâu sau đổi thành Sylvinet để phân biệt với cậu anh cả từng nhận
đỡ đầu cho nó; còn thằng em được gọi là Landry, cái tên nó giữ nguyên như
khi được đặt trong buổi lễ rửa tội, vì chú nó và cũng là người đỡ đầu nó, cũng
không thay đổi tên gọi từ nhỏ, là Landriche.
Từ chợ trở về, ông lão Barbeau khí ngạc nhiên khi trông thấy hai mái đầu
nhỏ xíu trong nôi.
- Ồ, ồ - Ông lầm bầm - cái nôi hẹp quá. Sáng mai, mình phải sửa lại cho
rộng thêm một chút mới được.
Hai bàn tay ông đã làm chút ít nghề mộc, tuy không học ai hết, và đã tự
tay làm lấy một nửa số đồ gỗ trong nhà. Không băn khoăn gì hơn, ông vào