tan chuỗi hạt nọ nếu như có sẵn trong tay.
"Thà rằng hy sinh những ngón tay mình để cha cắn nát, miễn sao giảm
nhẹ được những cơn thịnh nộ của ông còn thấy dễ chịu hơn". - Chieko đau
khổ lắc đầu lẩm bẩm. Tâm trí nàng dứt qua chuyện khác: nàng nhớ lại
chuyện cùng với mẹ thỉnh chuông chùa Nembutsu hồi nào.
Gác chuông nhà chùa đã được xây dựng lại. Mẹ nhỏ người không sao
thỉnh được chuông cho nó ngân đủ vang.
- Mẹ ơi, phải biết cách cơ. Để con thỉnh với nào. - Chieko đặt bàn tay lên
tay mẹ, và họ thúc chiếc cần gõ bằng gỗ. Quả chuông ngân vang dội.
- Đúng thật! - Người mẹ reo lên vui sướng.
- Đấy nhé! Chỉ khi nào có nhà sư thạo tay thỉnh, chuông mới thực sự
ngân lâu, ngân rền. - Chieko bật cười.
Đắm trong hồi ức, nàng bước dọc lối mòn, dẫn đến chùa Nonomiya. Vào
cái thời chưa xa xôi lắm người ta còn viết về lối mòn này như là "bước vào
bóng chở che của rừng trúc.". Giờ thì cả dấu vết khu rừng cũng chẳng còn.
Hơn thế nữa, tiếng mời chào của các nhà buôn từ những tiệm nhỏ xuất hiện
trước cổng chùa rành rọt vọng ra tận đây.
Nhưng bản thân ngôi chùa khiêm nhường này thì không hề thay đổi.
Thuở xưa - như trong Truyện Gendgi cũng nói - ở đây có thánh điện là nơi
những người con gái ngây thơ trong trắng của thiên hoàng, trước khi dâng
hiến đời mình phục dịch tại chùa Isedgingu, phải gột rửa tục lụy trong vòng
ba năm. Cột tori bằng gỗ nguyên cây không tước vỏ và một bờ rào khác
thường - đó là những nét danh thắng của Nonomiya.
Nếu từ đấy đi tiếp chút nữa theo lối mòn, một khung cảnh tuyệt vời trông
sang núi Arasiyama sẽ lộ ra. Trước khi đến cầu Bến Trăng gần con đường