Anh đã chậm chân. Anh không biết được tấm các đó là của ai. Người đàn
ông cầm tấm các, cất vào túi áo comple, để tiền boa cho người chạy bàn
dưới cái ly cà phê rồi đi ra không nói một lời.
- Một chai proseco thật lạnh. Và xì gà. Loại đắt nhất mà anh có - anh nói
với người chạy bàn vừa xuất hiện trước mặt.
Mẹ anh cũng có cái miệng như thế. Nhưng tất cả mọi cái của mẹ đều đẹp.
Cái ngày vừa trôi qua, và mấy giờ đồng hồ này theo một nghĩa nào đấy là
thuộc về mẹ anh. Và hoàn toàn không phải vì trong ngày sinh của mình,
anh đã nghĩ về việc mẹ đã sinh ra anh như thế nào.
Sáng qua anh bay từ Seatle đến Berlin chỉ cốt để cuối cùng được nhìn thấy
nơi mà mẹ anh đã ra đời. Thời gian gần đây tiểu sử của bà hấp dẫn anh như
một cuốn tiểu thuyết mà anh được tham dự vào một vài chương quan trọng
nhất trong đó. Nhất thiết anh phải biết những chương đầu này.
Mẹ anh ra đời ở cách ga Berlin Lichtenberg không xa, trong một nhà
thương làm phúc. Ông ngoại trong cơn sức cùng lực kiệt đã đưa vợ đến
Berlin với hy vọng là ở đó sẽ tốt hơn cho họ. Bây giờ họ gọi thế nào nhỉ?
Dân di tản kinh tế. Vâng. Chính thế. Một tuần sau khi đến Berlin thì bà
ngoại đẻ mẹ anh. Trong nhà thương làm phúc. Họ chỉ đưa đến đó những
người đẻ rơi ngoài đường. Những người không có tiền. Hôm qua anh đã
đến khu nhà ấy. Bây giờ ở đó là một nhà hát thử nghiệm Thổ Nhĩ Kỳ nào
đấy.
Sau ba tháng họ quay về Ba Lan. Họ không thể sống ở Đức được. Nhưng
chẳng ảnh hưởng gì hết, vì chỉ có ba tháng. Trong giấy khai sinh, sẽ còn lại
mãi mãi cái xác nhận lịch sử này: nơi sinh - Berlin. Theo cái cách đơn giản
ấy, mẹ anh đã trở thành người Đức. Nhờ đó mà bây giờ anh có hộ chiếu
Đức và có thể bay đến Seatle không cần visa. Nhưng dẫu thế anh vẫn bay
với hai hộ chiếu. Có lần quên hộ chiếu Ba Lan, anh cảm thấy mình như kẻ
không quốc gia.
Bởi anh chỉ có thể là người Ba Lan.
Người chạy bàn mang đến chai proseco xanh thẫm, một cái cốc bạc, xì gà
Cu Ba và cái xén giấy nhỏ. Anh châm xì gà và mở chai rượu. Ly đầu tiên
anh uống một hơi. Xì gà thật tuyệt. Đã lâu anh không được hút loại xì gà