được gọi là E-Lager, còn người trong đó được gọi là E- Haftling. E là chữ
cái đầu của “Erziehung”, nghĩa là “giáo dục”.
Tất cả những trao đổi liệt kê cho đến giờ đều là dựa trên những thứ thuộc về
Lager. Do đó mà bọn SS nghiêm khắc triệt tiêu chúng đến thế: vàng bọc
răng chúng tôi là của chúng, giật ra từ răng người sống hay người chết thì
sớm muộn gì cũng đều vào tay chúng cả. Vì thế đương nhiên chúng làm mọi
cách để vàng không ra khỏi trại.
Nhưng về chuyện trộm cắp thì ban quản lý trại không phản đối gì. Điều đó
thể hiện rõ rệt qua cách xử sự rất đồng lõa của bọn SS trong chuyện buôn
bán lậu.
Ở đây mọi việc khá đơn giản. Đó là chuyện ăn cắp hoặc nhận vài trong số
rất nhiều dụng cụ đồ dùng, nguyên vật liệu, sản phẩm... mà chúng tôi tiếp
xúc hằng ngày ở Buna trong thời gian làm việc, tối về đưa chúng vào trại,
tìm khách hàng và thực hiện trao đổi lấy bánh hoặc xúp. Hoạt động ấy rất
sôi động: với một số thứ, mặc dù là thiết yếu cho cuộc sống bình thường ở
Lager, cách duy nhất và phổ biến nhất để có được là ăn cắp. Điển hình là
chổi, sơn, dây điện, mỡ bôi giày. Việc trao đổi mỡ bôi giày có thể lấy ra làm
ví dụ.
Như chúng tôi đã nói đến ở những phần trước, quy định của trại ghi rõ mỗi
sáng giày phải được bôi mỡ và đánh bóng, mỗi Blockältester phải chịu trách
nhiệm trước bọn SS về việc mọi người trong lán của anh ta đều tuân lệnh.
Người ta sẽ nghĩ rằng mỗi lán sẽ được đều đặn giao mỡ đánh giày, nhưng
không phải thế, cơ chế lại hoàn toàn khác, cần phải nói thêm là buổi tối mỗi
lán nhận được một lượng xúp nhiều hơn tổng số suất quy định và phần dư ra
sẽ do Blockältester xử. Đầu tiên tay này sẽ dành phần cho thêm bạn bè và
những người hắn che chở, sau đó là trả công cho những người quét dọn, lính
gác đêm, người kiểm tra chấy và tất cả lũ có nhiệm vụ quyền hành ở lán.