Ngược lại chúng tôi thấy cần quan tâm đên chuyện này: con người có thể
được chia thành hai dạng hoàn toàn khác biệt: những kẻ sống sót va những
kẻ chết chìm. Những cặp đối nghịch khác (người tốt kẻ xấu, người khôn kẻ
dại, kẻ hèn nhát người dũng cảm, người may người không may) đều không
phân biệt được rõ nét, đều không thiết thực và có quá nhiều mức độ phức tạp
ở giữa hai thái cực.
Phân biệt theo kiểu sống sót và chết chìm không được thấy rõ trong cuộc
sống bình thường, vì bình thường con người không chỉ có một mình, khi
cuộc đời chìm nổi số phận anh ta vẫn luôn gắn chặt với những người xung
quanh và vì thế chuyện ai đó mạnh mãi lên không giới hạn chỉ là ngoại lệ,
cũng như chẳng có ai cứ rơi mãi từ thất bại này đến thất bại khác cho đến
khi sụp hoàn toàn. Hơn thế nữa mỗi con người thường có những nguồn lực
tình thân, thể chất và tài chính, nên khả năng mắc vào một vụ chìm tàu hay
một cảnh đói khát nào đó là khá thấp. Bên cạnh đó còn có những động thái
giúp cân bằng từ phía luật pháp và từ ý thức đạo đức - vốn là luật pháp trong
lòng mỗi người. Chính vì thế một xã hội càng được coi là văn minh nếu luật
pháp ở đó càng hiệu quả sáng suốt và không để những người khốn khổ trở
nên quá khốn khổ cũng như không cho những kẻ quyền thế trở nên quá
quyền thế.
Nhưng ở Lager thì không như vậy: ở đây cuộc đấu tranh sinh tồn không
nhân nhượng vì tất cả đêu hoàn toàn cô độc. Nếu một tay Null Achtzehn bất
kỳ chao đảo, anh ta sẽ không thấy bàn tay nào chìa ra với mình mà chỉ có
những kè gạt anh sang vệ đường, vì không ai quan tâm đến việc lại một
"mussulman nữa hằng ngày lê bước đến chỗ làm. Nếu ai đó có được phép
màu nhờ vào kiên nhẫn hay xảo quyệt, tìm được một cách để trốn khỏi
những công việc nặng nhọc nhất hay có một nghệ thuật kiếm ra vài gam
bánh thì sẽ cố mà giấu biệt. Anh ta sẽ được coi trọng, được nể trọng vì
chuyện đó và bản thân anh ta sẽ thu lợi khi được nể trọng. Anh ta sẽ trở nên
mạnh hơn, và vì thế sẽ được người khác sợ hãi, mà ai được người khác sợ
hãi thì sẽ ngay lập tức trở thành ứng cử viên cho loại sống sót.