— Chờ đã, tôi vừa nhớ ra một chuyện. Có một tin đồn dai dẳng lan
truyền vào lúc diễn ra vụ điều tra: hình như Joyce đã thuê một điều tra viên
để tiến hành tìm kiếm riêng cho bà ấy.
— Cô lấy thông tin đó từ đâu ra vậy?
— Hồi đó tôi đang đi lại với một gã: Richard Angeli, một tay cớm trẻ
thuộc đội Trọng án Bordeaux. Nói riêng với anh, gã là kẻ ngốc hạng nhất,
nhưng có tham vọng điên cuồng và đôi khi cũng cung cấp cho tôi vài gợi ý
hay ho.
Tôi vặn người để lấy chiếc bút trong túi áo rồi viết tên gã cảnh sát lên
thứ giấy duy nhất tôi đang có trong tay: T’choupi làm trò ngốc nghếch,
cuốn sách yêu thích nhất của con trai mà tôi đã mang theo để cho bé ngồi
yên đọc trong chuyến đi.
— Anh ta là người tranh tụng trong nhóm điều tra về vụ Claire Carlyle
mất tích. Theo những gì anh ta kể với tôi, các đồng nghiệp của anh ta và
thẩm phán đều phát điên trước viễn cảnh phải chứng kiến vụ điều tra bị một
kẻ bên ngoài gây nhiễu loạn.
— Kẻ đó là ai? Một thám tử người Mỹ chăng?
— Tôi chẳng biết gì cả. Tôi có đào bới đôi chút theo hướng đó, nhưng
chưa từng phát hiện ra điều gì cụ thể.
Im lặng một lát, rồi:
— Raphaёl này, nếu biết được điều gì mới, anh cho tôi hay được
không?
— Tất nhiên rồi.
Tôi đoán được qua giọng nói của cô, chỉ cần vài phút là Marlène
Delatour lại bị nhiễm vi rút “Claire Carlyle”.
Lúc này, chiếc taxi đã qua cửa ô Bercy và đang lao đi trên đường vành
đai. Con trai tôi đã ngồi ngoan trở lại. Bé ôm chặt trong tay chú chó bông
Fifi trung thành.
— Trong vụ điều tra này, người phụ nữ trẻ nói tiếp, tôi vẫn có cảm
giác chúng ta đã để tuột mất điều gì đó. Cảnh sát, phóng viên, thẩm phán:
tất cả mọi người đều thất bại trong vụ án này. Ngay cả sau khi phát hiện ra
các dấu vết ADN ở nhà Heinz Kieffer, vụ việc vẫn có vẻ chưa kết thúc.