tất cả mọi người? Chẳng phải lỗi của ai? Các nhà cầm quyền bắt đầu đá quả
bóng cho nhau.
Việc phân tích hiện trường vụ án kéo dài tròn hai ngày. Trong các
đường ống của ngôi nhà cũng như trong chiếc xe bán tải của Kieffer, người
ta tìm thấy tóc và các dấu vết ADN còn mới khác, chúng không thuộc về gã
sát nhân cũng chẳng thuộc về ba nạn nhân. Kết quả có được khoảng mười
ngày sau: có hai dấu vết gien, trong đó một mẫu vẫn còn chưa xác định
được. Mẫu còn lại là của cô bé Claire Carlyle.
Thông tin này vừa được tiết lộ, người ta đã kết nối và phát hiện ra rằng
vào thời điểm diễn ra vụ bắt cóc Claire, Heinz Kieffer đang trên đường đến
thăm mẹ hắn, người đang sống trong một nhà dưỡng lão ở Ribérac, tỉnh
Dordogne, cách Libourne chưa đầy sáu mươi ki lô mét.
Người ta khoanh vùng phạm vi khá rộng xung quanh tòa nhà. Một lần
nữa, người ta mò vớt trong các hồ ao, đưa máy xúc đến, huy động máy bay
trực thăng để rà soát khắp khu rừng và kêu gọi thiện chí của tất cả mọi
người để tổ chức những cuộc tìm kiếm trên diện rộng.
Và thời gian trôi qua.
Và niềm hy vọng thấy xuất hiện dù chỉ là thêm một thi thể nữa đã bay
biến.
Dù không bao giờ tìm thấy thi thể của cô bé, không ai nghi ngờ về
việc Claire Carlyle đã chết. Hẳn là vài ngày hoặc vài giờ trước khi chấm
dứt cuộc đời của chính mình và sắp đặt vụ tàn sát kia, Kieffer đã đưa cô bé
đến một nơi hẻo lánh, giết chết cô bé và thủ tiêu cái xác.
Tuy nhiên hồ sơ vụ án vẫn để ngỏ trong vòng hai năm mà các điều tra
viên không bổ sung thêm được chi tiết mới mẻ nào. Thế rồi, vào cuối năm
2009, vị thẩm phán phụ trách dự thẩm đã ký giấy báo tử cho Claire Carlyle.
Và không ai còn nghe nói đến “cô gái Brooklyn” nữa.