- Râu ria, quần áo gì bẩn thỉu thế. Mũ mãng, áo bào áo giáp của chúng
mày đâu, ông cho lính đưa về lấy.
Bọn lái thuốc lào nhăn nhó, kêu loạn lạc mấy năm nay, chúng đã hết thời
xưng vương, phong tướng, thì làm gì còn những đồ phong kiến ấy.
Công tử Khánh lại nguây nguẩy bảo:
- Chán chán là ý! Chú chả chơi với các người nữa. Chú đi đây.
Không còn hồn vía, Cố ông nhìn Quận ông. Quận ông nhìn anh lính già
mưu sĩ. Mưu sĩ chau mày một phút:
- Muốn có mũ mãng, cân đai, mã giáp, chẳng khó gì. Cố và quan tha tội
chết, con mới dám thưa.
Khi đã được phép thưa rồi, mưu sĩ liền ghé tai Cố, tai quan nói nhỏ.
Thoạt nghe, Cố ông toát mồ hôi trán, lắc đầu lia lịa:
- Chết nỗi, chết nỗi, áo bào hia mũ của ba vị thành hoàng, dân nó gửi.
Mai kia xây dựng lại đình, dân nó xin về trả thánh. Nay đem ra làm trò,
ngài quật chết. Không thể được. Thằng này bàn láo, quân vô đạo mạt kiếp!
Công tử Khánh đã nghe lỏm thấy, bèn giẫy nẩy lên:
- Cũng được, lấy áo thành hoàng làng mà mặc ra trò cho chú xem. Chú
thích thế. Mau lên!
Cố ông, ông Quận sợ hãi nhìn nhau. Công tử Khánh lại nguẩy vai toan
dỗi, và đòi “đi”.
Ông Quận đành bảo lính già:
- Chú thích, cứ làm theo ý chú. Tội vạ đâu tao chịu.
Cố ông, lúc đó, trước mệnh lệnh của ông con quý và ông cháu đích tôn,
đành chỉ thở dài một cách bất lực như tất cả những ông già đáng kính.
Sau đấy, trống phách nổi lên. Bọn lái thuốc lào xin hiến tích chèo “Vườn
đào kết nghĩa”.
Quan Vân Trường mặt đỏ, mắt xếch, râu dài (râu mượn của tượng Đức
ông bên chùa) mặc hoàng bào, vác thanh long đao (cũng mượn của Thành
hoàng) cưỡi ngựa xích thố (mượn ngựa thờ của đình làng). Ngựa có bánh
xe ở bốn chân, có nhạc đồng ở cổ, được đẩy ra kêu nhong nhong. Hán Thọ