hỏi Marianne Engel về điều này.
“Bản tiếng Anh là cho anh,” cô nói. “Như thế ta có thể cùng bàn luận về
chúng.”
“Thế còn bản gốc?”
“Tôi đọc bản dịch làm gì?”
Marianne Engel lướt qua chồng sách và chọn ra hai cuốn trông có vẻ
không phải được in bởi một nhà xuất bản chuyên nghiệp, mà được viết tay
trên những tờ giấy dày đóng xộc xệch bằng chỉ thêu. Nét chữ là của cô và
bản viết, may mắn làm sao, là tiếng Anh thay vì tiếng Đức. Khải huyền của
Christina Ebner và Ân điển-cuộc đời của Friedrich Sunder.
“Tôi nghĩ anh có thể muốn đọc mấy cuốn này,” cô nói, “nên tôi dịch
chúng.”
Có một vật thể khá thú vị nữa trên giá sách: một bức tượng thiên thần
bằng đá nhỏ với đôi cánh dang rộng về phía Thiên đường. Tôi hỏi có phải
cô tạc bức tượng này không nhưng câu hỏi ngây thơ của tôi có vẻ đã làm
tổn thương cô. Cô chớp mắt vài lần, như thể cố kìm nước mắt, và mím chặt
môi để làn môi dưới run bần bật của mình bình tĩnh lại. “Anh đã tạc cái đó
cho tôi,” cô thổn thức nói. Đó là Morgengabe
của tôi.
Thế là kết thúc chuyến thăm tầng trệt của tòa nhà. Xưởng tạc tượng của
cô nằm ở tầng hầm, nhưng chân tôi chẳng còn sức mà đi nữa. Ngày đầu rời
bệnh viện đối với tôi thế là đã quá đủ rồi, và sự thật là, tôi thấy choáng
ngợp trước cảm giác tự do. Tôi đã dần quen với việc thuộc từng phân ngoại
cảnh và từng phút lịch trình, vậy mà giờ tôi đang phải đối mặt với những
cảm giác mới lạ bất tận. Chúng tôi ngồi tại phòng khách chuyện trò trong