loại bỏ những học sinh giỏi thích nói chuyện riêng. Nạt đứa hư sợ đứa
ngoan, đây chính là tính cách điển hình của lớp phó kỷ luật Tào Quốc
Thắng.
Vì vậy chúng tôi buôn chuyện chẳng e ngại gì cả, tôi và Thẩm Giai
Nghi trở thành một đôi bạn kiểu đũa lệch như thế đó.
Dù bây giờ hay trước đây, thành tích cũng là một tiêu chuẩn quan
trọng để thầy cô nhận định giá trị của một học sinh.
Một học sinh, cho dù có sở hữu tài năng đặc biệt gì (hội họa, âm nhạc,
karate, bắn thun… vân vân), hễ học hành không tốt, đều sẽ bị cho là
“không hoàn thành bổn phận”, toàn phân tán tinh thần vào những thứ “vớ
vẩn lằng nhằng”. Ngược lại, một học sinh có thành tích tốt, chỉ cần hơi giỏi
một thứ gì đấy khác nữa, liền sẽ được các thầy cô giáo cho là “xuất sắc quá
đi mất, đến cả cái này cũng giỏi cơ à!” rồi đặt trên tay nâng như nâng trứng
hứng như hứng hoa.
Trường Trung học Tinh Thành của tôi tất nhiên cũng không ngoại lệ.
Trường tôi lập ra một trạm kiểm soát thành tích thi cử hằng tháng, đặt
tên là “Bảng Vàng”, những học sinh giỏi có thành tích thi cử xếp trong sáu
mươi hạng đầu toàn trường sẽ được đưa lên Bảng Vàng, tên của những đứa
này sẽ được viết bằng bút lông trên tờ giấy hồng điều lớn, dán ở hành lang
giữa cho rạng rỡ tổ tiên. “Lần này cậu còn kém mấy điểm thì lọt vào Bảng
Vàng thế?” cũng trở thành ranh giới phân chia đẳng cấp mà đám học sinh
hỏi han nhau.
Số người lọt vào Bảng Vàng của mỗi lớp tượng trưng cho “thực lực”,
cũng đại diện cho “thương hiệu” của lớp ấy. Số người chiếm Bảng Vàng
càng nhiều, nụ cười trên mặt thầy chủ nhiệm Lại sẽ càng rạng rỡ, thầy cô
giáo các bộ môn khác cũng theo đó mà thơm lây.