CỌ HOANG
T
iếng gõ cửa lại vang lên, vừa dè dặt vừa dứt khoát, trong khi ông
bác sĩ bước xuống cầu thang theo tia sáng đèn pin xuyên về phía trước rọi
vào những bậc thang màu nâu xỉn, soi tới ván gỗ ghép cùng màu của hành
lang tầng dưới. Đó là một căn nhà nhỏ hai tầng bên bờ biển được thắp sáng
bởi một hoặc nhiều chiếc đèn dầu mà vợ ông đã mang lên trên gác sau bữa
tối. Ông bác sĩ mặc áo ngủ mà không phải pyjama vì lý do giống hệt như lý
do ông hút tẩu, thứ mà ông không ý thức được rằng mình chẳng bao giờ
học được cách tận hưởng, cùng với những điếu xì gà thỉnh thoảng ông cứ
nhận của bệnh nhân vào các ngày Chủ nhật, mặc dù ông sở hữu một căn
nhà nhỏ bên bờ biển cũng như căn nhà kề bên và thấy mình hoàn toàn có
thể tự mua lấy. Bởi vì ông đã bốn mươi tám tuổi rồi và hồi mới mười sáu,
mười tám, hai mươi tuổi, cha ông có thể đã nói (và ông tin) rằng thuốc lá
với pyjama là những thứ dành cho đàn bà cùng những gã công tử bột.
Thời khắc nửa đêm đã qua rồi, nhưng chưa quá lâu.
Ông có thể phân biệt được mùi vị của gió cũng như cảm giác tựa hồ có
thể sờ thấy nó ngay cả khi đang ở trong căn phòng mà tất cả cửa chính và
cửa chớp đều đóng kín mít. Bởi vì ông sinh ra ở đây, bên bờ biển này mặc
dù không phải trong chính căn nhà này mà ở nơi khác trong thị trấn, và đã
sống ở nơi đây cả đời, tất nhiên cuộc đời ông gồm cả bốn năm học tại
trường Y thuộc Đại học Quốc gia cùng hai năm làm bác sĩ thực tập ở thành
phố New Orleans nơi mà (người đàn ông còn trẻ đã xổ dáng, với đôi bàn
tay mềm mại và mập mạp như tay phụ nữ này, đáng lẽ ra không nên làm
bác sĩ, người mà thậm chí sau khoảng sáu năm ở thủ đô, với sự ngạc nhiên
mang đậm ý thức cách ly và kiểu cách tỉnh lẻ, vẫn cảnh giác trước các bạn
học cũng như những người cùng trang lứa - các gã trai còm nhom khoe vẻ
bảnh bao trong những chiếc áo khoác mà đối với ông, đó là nơi họ phô ra