bước biển rộng trời cao”. Ngẫm nghĩ mãi càng thấy thú vị nên muốn được
chia sẻ với mọi người”.
Từ câu chuyện này, tôi nghĩ rằng, mỗi chúng ta, ai cũng có thể giúp
ích cho cuộc đời một điều gì đó, tùy theo khả năng của mình. Mà đôi khi
chưa cần phải có thái độ hào hiệp ấy, chỉ cần tự mình biết giúp cho chính
mình cũng đã tốt lắm rồi. Giúp bằng cách nào? Xin thưa, tự mình biết
“nhẫn” cũng là một cách không gây phiền toái cho thiên hạ. Tự mình biết
“nhẫn” trước ồn ào bão táp sẽ đem lại an lành cho chính mình.
Hôm nay và ngàn đời sau, sự nghiệp hiển hách của bậc đại trí, đại
dũng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vẫn còn được đời đời ngưỡng mộ.
Một trong những tính cách hơn người của ông là biết “nhẫn”. Sử chép:
Năm 1277, nghe tin vua Trần Thái Tông mất, nhà Nguyên muốn nhân cơ
hội này thôn tính nước ta bèn sai Thượng thư bộ Lễ Sài Thung sang sứ. Tự
cho mình là nước lớn, là “thiên triều”, Thung ngạo mạn, vô lễ cứ phóng
ngựa đi vào cửa Dương Minh. Quân ta ngăn cản, y dùng roi ngựa quất tóe
máu đầu. Đến cửa Tập Hiền thấy giăng đầy màn trướng, y mới chịu xuống
ngựa. Vua Trần Nhân Tông sai Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải đến
tiếp, hắn nằm khềnh không thèm dậy. Biết chuyện, Hưng Đạo Vương Trần
Quốc Tuấn xin vua đến đó để xem hắn còn giở trò gì nữa.
Trước khi đi, ông gọt tóc, mặc áo vải. Đến nơi, ông ung dung đi thẳng
vào trong phòng. Thung bật người ngồi dậy vì tưởng ông là nhà sư đến từ
phương Bắc. Ông điềm đạm ngồi xuống pha trà, cùng đàm đạo. Sau đó,
một người hầu của Thung nhận ra ông, liền cầm mũi tên nhọn hoắt đâm vào
đầu, máu chảy ra lênh láng. Nhưng lạ thay! Mặt của ông không biến sắc,
thái độ vẫn ung dung, tự tại. Thung kinh ngạc. Khi ông ra về, Thung phải ra
tận cửa để tiễn”.
Sự lặng im, lắng nghe và cùng tìm cách giải quyết sự cố tưởng dễ
dàng nhưng thật ra rất khó. “Tâm viên, ý mã” vốn là bản chất của con
người. Khi gặp chuyện không hài lòng, bao nhiêu “lục tặc tam bành” cứ
như ngựa xổng chuồng lao ra phía trước, chẳng ai có thể ghìm cương. Thật
đáng tiếc cho nhiều trường hợp, sau cơn giận dữ, “xem trời bằng vung” ấy,
đã không ít người tặc lưỡi nuối tiếc, ân hận: “Giá mà...”.