Trong lúc đó, có cô phục vụ vẫn đứng yên quan sát mọi người, chẳng tỏ ra
sốt ruột gì sất. Rồi đã qua giờ ngọ, ai nấy đều thở dài thất vọng, họ đi ăn
trưa và sẽ quay về tìm kiếm lại lần nữa. Không ngờ, khi mọi người quay về,
ngạc nhiên khi biết cô phục vụ đã tìm ra chiếc đồng hồ. “Bằng cách nào
vậy?”, mọi người nhao nhao hỏi. Cô mỉm cười: “Bí quyết của tôi đơn giản
lắm. Tôi không hấp tấp vội vàng gì cả, vì cần được lắng nghe. Tôi nằm
xuống đất rồi lắng tai nghe. Cuối cùng, tôi đã nghe tiếng tích tắc của chiếc
đồng hồ từ trong đống mạt cưa”.
Vâng, đôi khi, tự mình biết chậm lại, biết tách ra khỏi sự xô bồ nhốn
nháo lại phát hiện ra lắm điều lý thú.
Xin được kể thêm mẩu chuyện này, ngày nọ, lần đầu tiên tranh của
danh họa Picasso được trưng bày triển lãm tại thủ đô nước Nga. Nghe tin
hot này, ngay trong ngày khai mạc đã có hàng ngàn người kéo đến chờ đợi
từ sáng sớm. Ai nấy chen lấn, đều muốn là người đầu tiên được tận mắt
nhìn các bức tranh ấy. Dù ban tổ chức đã phóng loa kêu gọi mọi người hãy
xếp hàng, hãy trật tự nhưng rồi cũng không thể. Sự cuồng nhiệt của công
chúng dành cho tác phẩm của một danh họa là điều đáng khen, đã phản ánh
được trình độ dân trí của đất nước đó nhưng nếu họ tuân thủ theo quy định
chung thì vẫn tốt hơn.
Ngay lúc cực kỳ khó khăn ấy, nhà văn Ehrenburg đã giải quyết bằng
cách nào?
Khi được mời ra trước đám đông, ông nhỏ nhẹ nói qua mi-cờ-rô: “Đã
chờ ngày trọng đại này từ nhiều năm rồi, bây giờ chỉ chờ thêm một vài
phút, chẳng lẽ chúng ta lại không làm được?”. Lời nói của ông vang lên
đầy sức thuyết phục và lạ thay, cả hàng ngàn con người đang nôn nóng, sốt
ruột kia bình tâm trở lại. Chỉ chậm vài giây thôi, nhưng mọi việc lại đâu
vào đó.
Biết chậm lại một giây, dễ hay khó? Vừa rồi, qua báo chí, chúng ta
giật mình khi biết đến con số tai nạn giao thông hiện nay, không ngờ lại
“khủng” đến thế. Có nhiều nguyên nhân được mổ xẻ, phân tích, trong đó sự
nguy hiểm được cảnh báo nhiều nhất vẫn là “phóng nhanh vượt ẩu”. Ôi,