hiện ra dòng chữ đó, rồi lá rụng bay khắp nơi. Bàn dân thiên hạ đọc được,
cho là “ý Trời” nên nườm nượp kéo về Lam Sơn tụ nghĩa.
Không riêng gì Á Đông, các nước phương Tây cũng vậy thôi. Có
chuyện rằng, trước lúc xuất quân đánh một trận sống mái quyết liệt “được
ăn cả, ngã về không”, một vị tướng đứng trước ba quân, trên tay ông nắm
giữ hai đồng xu và bảo: “Ta sẽ thả xuống đất hai đồng xu này, nếu cả hai
cùng xuất hiện mặt đỏ ắt trời đất linh thiêng phù hộ thắng trận; nếu một mặt
trắng, một mặt đỏ, than ôi, thời vận của chúng ta đã kết thúc”.
Bốn bề lặng phắc như tờ, trong lồng ngực mỗi người nhịp tim đập
thình thịch, lo lắng chờ đợi giây phút có tính chất quyết định ấy. Vừa dứt
lời, vị tướng quân thả hai đồng xu xuống đất, tiếng vỗ tay hò reo như sấm:
cả hai đồng xu đều xuất hiện mặt đỏ! Ba quân phấn kích xuất trận, họ đã
thắng vì tin rằng mình sẽ thắng. Tuy nhiên, không ai biết rằng cả hai mặt
đồng xu ấy, trước đó, vị tướng quân đều sơn màu đỏ.
Nói dối không tốt, thậm chí còn là tính xấu, cần phải tu sửa. Trong
quan hệ xã hội, nếu gặp những người lúc nào cũng nói những lời dối trá
nhằm vụ lợi cá nhân, xúc xiểm chỗ này, “thọc gậy bánh xe” chỗ khác -nói
như nhà văn Nam Cao thì “cái mặt ấy không chơi được”. Đáng ghét lắm.
Thế nhưng, một khi lời nói dối ấy được thực hiện vì lợi ích chung
nhằm đạt đến kết quả tốt đẹp hơn; vì mong muốn người khác có thể vin vào
đó vượt qua nỗi nguy khó trước mắt thì cũng có thể châm chước, thậm chí
còn được đồng tình nữa là khác...