chẳng ai hiểu do cớ sự gì, dỗ mãi cũng không nín. Bực quá! Ông bố muốn
phết cho vài roi nhưng Xuân Diệu can: “Đừng đánh em. Tội nghiệp! Biết
đâu trong giấc mơ chiều nay, em mơ thấy gì chăng?”.
Ngẫm cũng có lý, bác nông dân gặng hỏi, em đáp vừa nằm mơ thấy
mẹ. Thức dậy, không có mẹ nên nhớ quá mà khóc. Thật vậy, vợ của bác
vừa mất trong một trận càn của giặc Pháp. Sự nhạy cảm, tinh tế của Xuân
Diệu về trường hợp của cháu bé mồ côi thật cảm động.
Thế đấy, nếu không hiểu thấu ngọn ngành, người ta dễ dàng có một
kết luận không đúng, dù mắt đã thấy, tai đã nghe.
Nhiều người đã đọc Kinh thánh, có lẽ vẫn còn nhớ lúc Chúa Jesus đến
núi Olives. Tảng sáng, ngài trở lại Đền Thờ, có người dẫn đến một phụ nữ
bị bắt quả tang ngoại tình, nếu theo luật thì phải chịu hình phạt ném đá đến
chết. Trước tình huống này, ngài đã nói một câu nổi tiếng và sau này trở
thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật: “Ai trong các ông
sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Tự xét lại chính mình, dần
dà, đám đông bỏ đi hết. “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong
lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5: 27-28). Rõ ràng, trước khi phán
xét một ai đó, mỗi người phải tự soi rọi lấy chính mình, bằng không chỉ
thấy “cái dằm trong mắt người khác mà không thấy cây đà trong mắt
mình”.
Câu nói trên có tầm khái quát một triết lý sống.
Sống trên đời, sự chỉ trích, phán xét thật ra rất dễ dàng bởi lúc ấy, con
người ta quên mất mình là ai, chỉ còn lại “cái tôi” to tổ chảng như cái đình
chiếm hết trong óc.
Sống trên đời, biết nhìn ra sự tốt đẹp của người khác thật khó, khó lắm
bởi lúc ấy, con người ta kiêu ngạo với “cái tôi” và cho rằng hoàn hảo nhất.
Thật khó chịu, khi trò chuyện với ai đó, họ luôn ưỡn ngực xưng tên,
mọi lúc, mọi nơi đều tìm cách “đánh bóng” bản thân. Thái độ ngớ ngẩn ấy
làm sao có thể nhìn thấy vẻ đẹp của người chung quanh? Đừng quên, dù về
địa vị xã hội, tuổi tác, thu nhập... tuy thua kém nhưng ai dám bảo họ không
có những điều hơn hẳn mình?