MÂY BAY... TRONG ĐẦU
M
ây bay trong đầu ư? Làm sao có thể diễn ra điều đó? Có lẽ, gã nhà
thơ lơ tơ mơ này lẩn thẩn rồi chăng? “Mây che trên đầu và nắng trên vai”
mới đúng là ca từ của Trịnh Công Sơn chứ? Lại nữa, câu thơ trong Hoàng
hạc lâu của Thôi Hiệu, Tản Đà dịch: “Hạc vàng đi mất từ xưa/ Nghìn năm
mây trắng bây giờ còn bay”. Tất nhiên, mây phải bay ngang trời, chứ
không thể... trong đầu được. Các bạn nói đúng, nhưng ở đây xin bàn đến
một khía cạnh khác.
Một ngày kia, nhân buổi chiều mưa lại đang nhàn rỗi, ngồi soạn lại
các đĩa VCD chất đầy trong ngăn tủ, lâu nay bỏ mặc, không quan tâm đến,
tôi tình cờ tìm thấy và xem được bộ phim này. Đại khái, có một gia đình
nông dân nghèo, vì sinh kế họ phải từ bỏ quê nhà lên Paris lập nghiệp. May
mắn, cậu con trai được nhận vào nấu bếp tại quán ăn hạng xoàng, đối diện
là một nhà hàng sang trọng. Từ khi cậu đứng bếp, lập tức đã có một sự thay
đổi lớn: các thực khách đều tìm qua quán ăn này, còn nhà hàng đối diện
ngày một vắng teo, vắng tanh như chùa Bà Đanh. Bí quyết nấu ăn của cậu ở
đâu? Câu hỏi này đã khiến nhiều người tò mò. Phải tìm ra câu trả lời cho
bằng được.
Trong một cuộc thi thể hiện tài nấu bếp, cậu và tay đầu bếp nhà hàng
kia cùng làm bánh bông lan. Bánh của cậu, khi ăn, ai cũng khen ngon. Vị
béo của trứng, vị ngọt của đường quyện nhuần nhuyễn với bột. Cắn một
miếng, vị ngon thơm tho cứ lưu luyến mãi không thôi. Ăn một miếng, lại
muốn ăn thêm. Cậu “bật mí”: “Khi thực hiện bất kỳ món ăn gì, trong đầu
tôi chỉ nghĩ đến niềm vui, sự ngon miệng của thực khách. Muốn được thế,
tâm hồn tôi phải nhẹ nhàng, thanh thoát, toàn tâm toàn ý với món sẽ nấu.
Thâm tâm vướng víu đến sự bực dọc, hằn học, cay cú thì cái bánh này đây,