Tâm lý này, có phải cũng là “phép thắng lợi tinh thần” trong kiệt tác
A.Q chính truyện của văn hào Lỗ Tấn không? Tôi quyết rằng không. Thời
đi bộ đội, chính trị viên của tôi thường dặn dò: “Tư tưởng không thông, vác
bi đông cũng nặng”. Câu nói ấy nghe tếu táo mà lại rất đúng. Có gánh nặng
nào nặng hơn nỗi lòng đang mang vác?
Thử đứng nhìn vào tấm gương soi đang đặt trước mặt. Lúc ấy, ta sẽ
nghe những lời thì thầm gì từ tâm tưởng vọng ra? Một nhà hiền triết cho
rằng, cái bóng nói với thân thể: “Anh thấy không, tôi là người bạn chí cốt,
thân thiết của anh. Bất kỳ ở đâu, dù anh đang trên đỉnh cao của sự hoan lạc,
dù anh cheo leo mong manh đối mặt với cái chết thì tôi vẫn không lìa khỏi
anh”.
Thân thể đáp lại: “Vâng, hình bóng của đôi ta tuy hai mà một, không
ai có thể tách rời. Đó là lúc có ánh sáng. Còn khi gặp cảnh tối tăm, tôi
chẳng thấy anh đâu. Đã là bạn bè chân chính thì phải có nhau trong những
lúc tăm tối ấy chứ?”. Cái bóng đáp: “Lúc ấy, tôi vẫn cận kề bên anh đó thôi,
nhưng sự giận dữ, tức tối, oán ghét, căm giận đã choáng ngợp trong lòng
anh, làm sao anh có thể tìm thấy được chính mình?”.
Tha thứ cho người khác cũng là tha thứ cho chính mình. Tại sao? Vì
không còn phải đau đáu vác một gánh nặng u ám từ ngày này qua tháng nọ.
Chà, câu nói đó, lại “giáo điều”, “sách vở” nữa rồi. Không phải đâu. Ngày
nọ, khi sang thăm lại chiến trường xưa trên quê hương Chùa Tháp, nơi tôi
đã trú quân làm nghĩa vụ quốc tế thời trai trẻ. Với tư cách nhà báo, tôi đã
hỏi người bà đàn bà bất hạnh đã bị bọn diệt chủng Khmer đỏ tàn sát chồng
con vào năm 1979: “Xin hỏi thật, đến nay bà có còn muốn trả thù bọn sát
nhân đó không?”. Bà trả lời: “Phải nhổ sạch cỏ, mới có thể gieo hạt lúa.
Xóa bỏ đi sự oán hận, lòng mới có thể thanh thản”. Chỉ câu nói ấy, bà
không nói gì thêm nhưng tôi hiểu rằng bà đã “ngộ” ra lẽ sống ở đời.
Chắc hẳn các bạn cũng đồng tình rằng, có thể tìm thấy niềm vui trong
sự tha thứ. Niềm vui ấy cao thượng và trong sạch biết chừng nào.