dành cho nhau mới có thể khiến họ vui sống, biết sống, vượt qua gian khó
chứ không phải cay cú hơn thua bằng mọi cách nhằm chiếm đoạt, lọc lừa
nhau...
Do chính cảm nhận như thế, nhà văn Nguyễn Trí mới dám đối đầu với
nỗi đau tột cùng của người làm cha. Ngày đó, con gái anh bị kẻ xấu đâm
chết. Hung thủ là cô gái mới 17 tuổi. Khi ra tòa, vợ anh phải ẵm con cho bị
cáo. Còn anh ngồi trầm ngâm thầm mong tòa giảm án cho kẻ đã giết con
mình. Anh tâm sự: “Khi ta “chấp” thì địa ngục ở trong lòng, khi ta hỷ xả thì
lòng ta thanh thản. Nhưng quan trọng nhất là vợ tôi, bà nói: “Thôi, bỏ đi.
Tha thứ cho người ta thì linh hồn con mình cũng nhẹ nhàng và siêu thoát”.”
Phiên tòa kết thúc, hung thủ lặng người, níu chặt tay vợ chồng anh,
khóc ngất: “Con đội ơn tấm lòng trời biển của hai bác vì đã tha thứ và xin
giảm án cho con. Hai bác đã sinh ra con một lần nữa...”.
Nhà văn hóa Lacordaire (1802 - 1861) có nói một câu thật chí lý: “Bạn
muốn vui trong chốc lát: cứ trả thù; bạn muốn yên vui mãi mãi: nên tha
thứ”. Nghe dễ dàng nhưng thực hiện sao lại khó khăn quá đi thôi. Vậy phải
làm gì? Khi nghe tôi đặt câu hỏi này, một lão nông ở Quảng Nam dù ít học,
chữ nghĩa không đầy lá mít, cả một đời chỉ biết “trên đồng cạn dưới đồng
sâu” đã trả lời bằng câu chuyện thật hay.
Cho phép tôi được chia sẻ: Có người nông dân sau khi thu hoạch mùa
màng, có chút ít tiền, ông lên thành phố tìm mua một ít vật dụng. Chẳng
may, ông bị kẻ xấu lợi dụng tính tình chất phác, quê mùa của ông lừa lấy
sạch tiền của. Trở về nhà, nghe vợ con cằn nhằn, láng giềng chê cười, ông
thong thả đáp: “Đây cũng là điều may mắn vì tôi bị cướp tiền, chứ không bị
cướp đi mạng sống. Tuy nhiên, điều may mắn hơn cả, chính tôi bị ăn cướp
chứ không phải là kẻ cướp”.
Rõ ràng, bất kỳ tình huống nào, con người ta cũng có cái nhìn tích cực
hơn dù đang bế tắc, bi quan. Sự thanh thản ấy, giúp ích gì? Ít ra, người
nông dân ấy không phải canh cánh trong lòng sự buồn bực, tức tối và tìm
cách trả thù, mà chắc gì đã thỏa mãn được ý nguyện đó? Chi bằng, dù thiệt
thòi, mất mát mà cứ sống với tâm niệm hỷ xả vẫn tốt hơn.