trách phận “Sao tôi phải khổ thế này?”. Đơn giản chỉ vì họ lấy sự nhọc
nhằn đó làm niềm vui sống. Sống vì con, lo lắng cho con nên người. Ước
mơ ấy chính đáng quá đi chứ.
Tôi thích mẩu chuyện này, nhân sinh nhật của mẹ, cô bé lên mười đập
heo đất mua tặng mẹ con búp bê, vì nghĩ mẹ cũng thích như mình. Người
mẹ cảm động thốt lên: “Mẹ cám ơn con. Ba với mẹ đều cực nhọc, lo lắng
cho con, sao vừa rồi sinh nhật của ba, con không tặng món quà nào?”. Cô
bé hồn nhiên trả lời: “Mẹ ơi, mẹ chẳng bao giờ than phiền gì, chỉ lẳng lặng
làm việc. Trong khi đó, ngày nào bố cứ làm ầm lên nào kể lể, than trách
như thể con là gánh nặng ở trong nhà”.
Có người bảo rằng, trong các loại hình nghệ thuật, chỉ có xem tranh là
là không cần “phiên dịch”. Đứng trước một bức tranh, tùy nhận thức, tâm
trạng mà mỗi người có cảm xúc khác nhau. Chẳng hạn, cùng thưởng ngoạn
bức tranh Chim bồ câu - biểu tượng hòa bình của danh họa Picasso nhưng
cảm xúc của các ông trùm diệt chủng như Pol Pot, Ieng Sary lại khác với
người hướng thiện.
Mọi sự vật diễn ra trước mắt là thế, nhưng tùy vào tâm trạng của chính
mình đón nhận nó. Đón nhận tích cực hay tiêu cực? Sự lựa chọn ấy, nghĩ
cho cùng là bản lĩnh sống, thái độ sống của mỗi người. Biết chấp nhận hoặc
vượt qua nghịch cảnh, hoàn cảnh đang sống không phải câu nói suông mà
sự lựa chọn đó có ý nghĩa ở chỗ: hoặc nhìn thấy sự thăng hoa lung linh ánh
sáng, hoặc cam chịu bóng tối thăm thẳm tiếng thở dài...