NGHĨ TỐT VỀ NHAU
“K
hi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo”,
không riêng gì người Việt, đó là đặc tính chung của con người năm châu
bốn biển. Bình thường chẳng sao, nhưng lúc “gặp chuyện” ắt những gì đã
vun vén, đã dành nhiều thiện cảm cho nhau bỗng dưng “đổ sông đổ biển”
hết trọi.
Ai lại không từng rơi vào cảnh ngộ éo le: Cả một tuần, một tháng miệt
mài như con ong, chăm chỉ công việc không ngoài mục đích kiếm tiền lo
cho gia đình. Không dám ăn, không dám chơi, không đàn đúm bia bọt, tằn
tiện từng chút một cũng vì vợ vì con. Sáng Chủ nhật, anh thức dậy sớm,
ngồi trước hiên nhà nhâm nhi tách trà, lắng nghe tiếng chim hót véo von.
Tâm hồn đang khoan khoái nên anh cho phép mình làm một việc mà từ lâu
đã quên. Vừa mới thực hiện ý định đã nghe tiếng quát ầm ĩ bên tai: “Anh
lại hút thuốc lá nữa rồi. Ngày nào cũng thuốc lá. Vứt ngay. Anh có biết nó
có hại sức khỏe thế nào không?”. Chà, người đâu lại quá quắt, buổi sáng
đẹp, tự cho phép tận hưởng thú vui nho nhỏ cũng không được sao? Lại còn
thòng thêm sự đánh giá rất “oan ông Địa”: “Ngày nào cũng thuốc lá”!
Vặt lại một câu cho đỡ tức tối chăng?
Cái đó còn tùy vào tâm tính, phép ứng xử của từng người. Anh bạn
tôi, sau câu nhắc nhở “quá hớp” đó của vợ, bèn cười bẽn lẽn, không nói gì,
anh lẳng lặng vứt mẩu thuốc lá. Chỉ một cử chỉ “sửa sai” nho nhỏ đã “hóa
giải” được ngọn lửa đang ngùn ngụt lao tới. Rồi mọi việc trở nên nhẹ nhàng
như chưa hề có chuyện gì. Cử chỉ ấy, không phải “lép vế” trước “uy quyền”
của vợ mà biết nhận cái sai của mình. Điều này mới quan trọng hơn, sau
này, con cái thấy bố gương mẫu nên không bắt chước theo thói xấu ấy.