“Trong phòng cha đã có đầy không khí. Nó đã có một cách hiển nhiên như
đã có nên chẳng mấy ai để ý đến. Nếu không có không khí làm sao ta có
thể hít thở mỗi ngày?”
Từ câu kết của mẩu chuyện nghe lóm, tôi nghĩ thêm đôi điều bâng
quơ.
Trên trái đất này, hầu như mỗi sinh vật đều có vai trò cần thiết của nó.
Ca dao có câu: “Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng/ Đèn ra trước gió còn chăng
hỡi đèn?/ Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn/ Cớ sao trăng lại chịu luồn đám
mây?”. Sự hơn thua, so sánh ở đây, ngẫm ra thấy buồn cười. Trăng là trăng.
Mà đèn là đèn. Cả hai đều có sở trường lẫn sở đoản. Con người ta cũng vậy
thôi. Ông trời cực kỳ công bằng, khi đã đưa bàn tay này trao ai quà tặng
gì,lập tức bàn tay kia cũng lấy lại một thứ khác.
Làm gì có người từ lúc lọt lòng, cất tiếng khóc oe oe đã nhận sự sung
sướng cho tới lúc chui tọt vào lòng đất; ngược lại, chẳng có ai phải gánh
chịu lầm than, khốn khổ cả một kiếp người? Từ nhận thức này, ông bà ta đã
đúc kết lại sự trải nghiệm: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Rồi
“sông có lúc, người có khúc”. Tùy giai đoạn cuộc đời, mỗi người có lúc
thăng lúc trầm, lúc “lên voi xuống chó”. Ai cũng như ai thôi.
Nhiều người lại không nghĩ thế.
Do đó, một khi hanh thông công việc làm ăn, tiền bạc thu vào như
nước chảy chỗ trũng, lập tức họ “thông báo” cho “làng trên xóm dưới” lác
mắt chơi. Đôi khi, sự hợm hĩnh ấy lại chạm đến niềm trắc ẩn, buồn tủi của
người khác. Lúc khoe khoang những thứ đắt tiền, tiêu xài phung phí, ném
tiền qua cửa sổ thì những con người nghèo rớt mồng tơi biết được chuyện
ấy, họ sẽ vui hay buồn? Đành rằng, vui buồn thế nào là chuyện của mỗi cá
nhân, chẳng ai phải chịu trách nhiệm cho ai. Mình có tiền “giàu nứt đố đổ
vách” ắt có quyền tận hưởng, còn lại thiên hạ “sống chết mặc bay”, chẳng
can cớ gì đến mình.
Suy nghĩ này, có đúng không?
Ai đã từng lướt qua các trang mạng xã hội, hẳn có lúc chạnh lòng,
chẳng hạn, thời buổi “gạo châu củi quế”, tìm ra đồng tiền nuôi sống vợ con
muốn chảy máu nước mắt, phải tằn tiện từng đồng xu gửi về quê nuôi cha