IM LẶNG ĐỂ LẮNG NGHE
Đ
ược nói cũng là một lạc thú ở đời. Có câu chuyện thế này, nhân dịp
Tết đến, nhóm bạn rủ nhau khề khà bên cội mai “mừng xuân nâng chén ta
chúc nơi nơi”. Câu chuyện rôm rả, hào hứng và ai cũng muốn được nói,
được tâm tình. Điều này là lẽ thường tình. Chẳng có gì phải phàn nàn, nếu
không có một, hai người độc chiếm diễn đàn. Lưỡi họ trơn hơn thoa dầu,
bôi mỡ trở thành diễn giả “thao thao bất tuyệt” trước công chúng. Họ “một
mình một ngựa” tung hoành ngang dọc, không nhường cho ai có thể góp
lời.
Làm sao buộc người đó ngưng nói?
Cuối cùng nhóm bạn đề nghị, nếu anh ta im lặng đúng 10 phút, sẽ có
quà thưởng hậu hĩnh. Cũng lạ, có những người nếu buộc im lặng, họ có
cảm giác như cổ họng nhột nhạt. Tay chân bức bối. Đầu óc bực bội. Vì thế,
trước đề nghị của bạn bè, chỉ đến phút thứ 9, không thể chịu đựng nổi, anh
ta đứng phắt dậy, bỏ ra về. Càng tốt. Ai có thể chịu đựng được một người
luôn oang oang như súng bắn liên thanh?
Tâm lý của con người ta không khác nhau ở chỗ, đôi lúc cần có người
cùng tâm tình, đấu hót, “chém gió”. Người này nói, người kia lắng nghe và
ngược lại. Mà ai còn có nhu cầu được nói. Chẳng ai muốn lỗ tai của mình
trở thành nơi phải chứa tất tần tật lời lẽ của người khác, dẫu rất thân tình.
Nói tắt một lời, “được ăn được nói” là lạc thú không thể thiếu được trong
24 giờ của một ngày.
Tuy nhiên, ít ai chịu khó ngẫm lại rằng, tại sao cứ phải nói? Cứ phải
há miệng, đảo lưỡi liên tu bất tận phát ra tiếng động như suối chảy róc rách,
như thác lũ dạt dào từ ngày này qua tháng nọ? Thế thì, hãy thử im lặng xem
sao. Ừ, hãy dành lấy cho mình một khoảng thời gian tự ngậm miệng.