Không thốt ra một lời nào. Lúc ấy, có gì khác hay không? Tôi nghĩ, khi im
lặng cũng là lúc người ta có thể hướng nội, tự mình soi rọi lại tâm thế chính
mình. Việc làm ấy, mạo muội nghĩ rằng, nói như từ ngữ tin học, đó chính là
lúc “defragmenter” các dữ kiện ngổn ngang trong tâm hồn.
Không phải ngẫu nhiên ở Nhật có những thiền viện heo hút nơi rừng
thẳm non cao. Những lúc quá mệt mỏi, quá ngao ngán bởi từng ngày cuốn
theo dòng đời chảy xiết, thiền viện ấy là nơi người ta tìm đến. Nơi ấy, có
những bậc thiền sư rao giảng về lẽ vô thường của cuộc đời? Nơi ấy, có
tiếng chuông ngân nga, câu kệ trầm bổng an ủi chăng? Không. Bước vào
phòng, chỉ có nến sáng, trầm thơm và một vài chậu bonsai phía trước mặt.
Không có thêm gì nữa. Hãy ngồi xuống. Im lặng. Chỉ ngồi im lặng và làm
chủ hơi thở. Thế là đủ. Vâng. Đôi khi trong đời chỉ cần có thế.
Mẹ tôi có kể câu chuyện này, ngày nọ, một cây to sum suê cành lá nói
với với cây ăn trái: “Cuộc đời anh tẻ nhạt quá, chẳng được như tôi. Lúc nào
tôi cũng có thể xạc xào, reo vui trong gió khiến nơi xa cũng có thể nghe
đến”. Cây ăn trái khiêm tốn: “Tôi không cần những lời ồn ào, trái cây ngon
ngọt đã thay lời tôi muốn nói mỗi ngày”.
Lâu nay, khi đọc tuyệt phẩm Mái tây của Vương Thực Phủ, thiên hạ
năm châu bốn biển đều khoái trá với lời bình Kim Thánh Thán. Một trong
33 điều “Chẳng cũng sướng sao” của ông, tôi rất thích: “Qua phố thấy hai
bác đồ gàn cãi nhau một chuyện... Cả hai đều đỏ mặt tía tai, tưởng không
đội trời chung! Thế mà còn chắp tay lên, khom lưng xuống, đầy mồm “chi,
hồ, dã, giả”... Câu chuyện kéo dài, có thể mấy năm không xong. Bỗng một
tráng sĩ vung tay đi lại, ra oai quát một tiếng, thế là nín thít. Há chẳng
sướng sao!”.
Sự im lặng của hai bác đồ gàn đã cho thấy gì? Chỉ trong tích tắc ấy, có
thể họ sững người, rồi lập tức nhận ra ngoa ngôn nãy giờ chỉ là những câu
tranh cãi tầm phào!
Tôi không tin người ta có thể vừa ồn ào nói chuyện, vừa chuyên chú
đọc sách. Không bao giờ. Nếu có, chỉ lướt trên mặt chữ, chứ không thể
nhìn ra ánh sáng lấp lánh nằm giữa các dòng chữ. Nếu chọn lấy duy nhất,
vâng, chỉ chọn một bài thơ Đường, bạn sẽ chọn bài thơ nào? Câu hỏi này