khó quá, phải không? Tuy nhiên, nếu không thể thoái thác được, tôi xin
chọn Tầm ẩn giả bất ngộ của thi sĩ Giả Đảo (788? - 843?):
Ngày nọ đứng bên cội tùng, khách hỏi chú tiểu đồng là thầy đang đâu,
có ở nhà không? Tiểu đồng cho biết thầy đi hái thuốc. Rồi đưa tay chỉ vào
cỏ nội mây ngàn, núi xanh rừng xanh thẳm. Khách nhìn theo, thấy trước
mắt mây mù mịt, giăng kín núi non: “Núi này quanh quẩn không xa/ Mây
che mù mịt biết là nơi đâu?”. Khách lặng lẽ, đứng nhìn mây tỏa mờ sương
khói, không thốt một lời nào nữa. Sự im lặng ấy, với chúng ta có khó khăn
quá không? Không à? Thế mà có đấy! Ít ra, là sự bực bội vì đã mất thời
gian đến tìm cố nhân nhưng không gặp, bèn cằn nhằn một vài câu chứ gì?
Nhân vật trong thơ Giả Đảo lại khác, biết tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên
chính từ giây phút ấy.
Không nhớ rõ nhà hiền triết nào đã bảo, chúng ta mất vài năm học nói
nhưng lại mất cả đời để học cách im lặng. Trong cuộc sống hằng ngày, đôi
lúc sự im lặng lại đem đến sự bình an tâm hồn. Có câu chuyện thế này, anh
chàng nọ vốn đệ tử số dzách của Lưu Linh bợm nhậu. Mỗi lần say, anh trở
về nhà là quát mắng vợ con, tất nhiên vợ con cãi lại. Lần kia, mặc tình anh
ta muốn nói gì thì nói, vợ con chỉ im lặng. Càng nói, anh càng nghe tiếng
nói của chính mình dội ngược lại vào tai. Mình có thể thốt ra những lời thô
lỗ, cục cằn này sao? Thử im lặng xem sao. Và anh ta nghe thấy những gì?
Nghe thấy trẻ con hàng xóm vọng sang ê a tiếng học bài, nghe lời vợ dịu
dàng ru con... Bước ra ngoài sân, anh ta còn nghe cả tiếng cựa mầm, nẩy
lộc trong khoảnh khắc giao mùa.
Mùa xuân đến rồi đó ư? Sao bây giờ mới nghe được tiếng thì thầm da
diết ấy? Vâng, tình xuân vẫn chan chứa từng ngày trong cuộc sống, có điều
ta có biết lắng nghe hay không?