mẹ già, ấy thế, lại “đập vào mắt” là hình ảnh xe hơi, biệt thự rồi la liệt
những cái váy, túi xách, đôi giày, smartphone... thuộc “hàng hiệu”. Thậm
chí, còn khoe ngay cả con chó giữ nhà mỗi ngày cũng được ăn vài ký thịt
bò... Khoe làm gì thế? Chẳng để làm gì, chỉ trong một phút cao hứng muốn
thiên hạ biết mình “không phải dạng vừa đâu”.
Tuy nhiên, vì thích khoe khoang mà đôi khi chính mình phải gánh lấy
sự phiền toái không đáng có. Chị bạn tôi vừa giậm chân kêu trời cũng vì cái
tính ấy. Mọi việc riêng tư từ mua sắm đến du lịch, ăn uống ở đâu thì “nhất
cử nhất động” chị đều “tương lên” mạng xã hội. Dù chưa ghé chơi nhưng ai
cũng biết rõ chị đã sắm những vật dụng gì, đặt ở vị trí nào ở trong nhà. Phải
thế chứ, thiên hạ có biết thì mới trầm trồ, thèm thuồng, ganh tỵ. Làm sao họ
có thể sánh kịp “đẳng cấp” của mình. Có xách dép chạy theo cũng còn lâu.
Tháng vừa rồi, cả gia đình chị hào hứng du lịch nước ngoài. Chị post
hình ảnh liên tu bất tận, ngày này đã đáp xuống phi trường nào, ngày kia đã
tham quan nơi đâu; qua ngày sau lại đang vui chơi chỗ nào... Tóm lại, lịch
trình dài dằng dặc ấy, “năm châu bốn biển” đều biết đến.
Không ngờ, sau lúc kết thúc cuộc hành trình, quay trở về, chị suýt ngất
khi biết kẻ trộm đã đột nhập vào nhà “khoắng sạch” mọi thứ. Thì ra, sự
khoe khoang công khai ấy không khác gì “vẽ đường cho hươu chạy” và
khiến kẻ xấu động lòng tham. Mà chúng dám “ra tay” và “thành công trên
cả tuyệt vời” bởi thừa biết vào ngày ấy, giờ ấy gia đình chị đang ở đâu,
đang làm gì.
Trở lại câu chuyện mà tôi đã nghe “lóm” trên chuyến tàu lửa, có lẽ
nhiều người đồng tình: Khi cậu con trai út nhấn mạnh về vai trò của không
khí, không phải những thứ khác lại không có giá trị bằng. Mọi vật dụng đều
có giá trị riêng biệt, khó có thể so sánh, tuy nhiên nó chỉ phát huy hết giá trị
trong từng trường hợp cụ thể. Con người ta cũng vậy thôi. Ai cũng có sở
trường lẫn sở đoản.
Cứ “hữu xạ” ắt “tự nhiên hương”. Nghĩ như thế, sống như thế để cảm
nhận và chọn lấy cuộc sống nhẹ nhàng, thư thái vẫn tốt hơn. Hà cớ gì lúc
nào cũng phải “lao tâm khổ trí” tìm mọi cách “đánh bóng” cái tôi? Nghĩ
cho cùng, “cái tôi” của người này chắc gì đã hơn “cái tôi” của người khác?