nhớ mua quà về cho con”. Thì bây giờ, tình cảm trìu mến ấy lại dành hết
cho con. Mỗi sáng, tôi đi làm, bao giờ mẹ tôi cũng là người khóa cổng. Dù
đang lục đục sau bếp, nhưng nghe tiếng dắt xe, bà cụ đã lật đật bước ra, chờ
con ra khỏi nhà là khóa cổng. Không nói gì, chỉ nhìn vào ánh mắt, biết rằng
mẹ tôi đang nhủ thầm: “Trưa/ chiều về nhà ăn cơm nghe con”.
Lúc mẹ còn thơ ấu, ông ngoại ngồi ăn cơm, chỉ một mâm, một cõi
riêng. Cưng lắm mới cho ngồi chung. Bằng không, chẳng bao giờ dám léng
phéng lại gần. Ăn xong, không cần gọi, con cái đứng lấp ló phía sau liền
lên dọn. Bây giờ, tôi cũng không khác gì. Trở về đến nhà đã cơm nước đầy
đủ, ngồi ăn một mình. Xong, mẹ lại dọn. Thì ra, với người đàn bà Á Đông:
“Trẻ cậy cha, già cậy con”. Thuở nhỏ, cha là ông trời. Về già, con là ông
trời. Ông trời này, không bao giờ mất vai trò vị trí, uy quyền cho dù có hư
đốn, đổ đốn đến đâu.
Có những người con ở xa về, sau những lúc hàn huyên, người mẹ lại
hỏi: “Con thích ăn gì, mẹ nấu”. Trong tâm trí của người mẹ nào cũng lo
lắng miếng ăn giấc ngủ cho con, dù rằng sự lo lắng ấy không cần thiết. Thế
nhưng, như một sự gắn kết thiêng liêng, tự trong lòng người mẹ vẫn đau
đáu nghĩ đến. Đã đọc đâu đó câu chuyện thật cảm động: Đêm nọ cậu con
trai đi nhậu về say “quắc cần câu”, người ngợm ướt như chuột lột vì phải
đội mưa, về đến nhà bỗng thèm một bát chè, bảo vợ đi nấu. Vợ bực mình,
mắng cho vài câu. Ngay lúc ấy, ở phòng bên bà mẹ già vẫn chưa ngủ, bà cụ
lẳng lặng dậy, lục tìm đường đậu, nhóm lửa. Lúc ấy, bà mẹ chỉ nghĩ đến
con, miễn nó hài lòng, sung sướng là vui.
Thế nào là một đêm khuya đẹp khiến lòng vui tươi như đứa trẻ lên
mười?
Mỗi người có một cách lựa chọn.
Có thể, lúc ấy đã khuya khoắt, chuông đồng hồ gõ gọn lỏn một tiếng,
vừa bước vào nhà đã nghe tiếng vợ tru tréo: “Gớm thật! Giỏi thật! Sao
không giỏi đi luôn mà còn vác cái mặt say xỉn tèm nhem vào cái nhà này?”,
nghe thế bèn im lặng. Im lặng mà được à? Lập tức một cái ly ném vèo qua
mặt, may quá, còn né được, có tiếng kêu loảng xoảng dưới nền nhà.