Cũng chưa khổ bằng nhân vật của Y Ban, cũng do nhà chật chội, tù túng rồi
trong giây phút chau mày nghiến răng không thể “kìm hãm lại cái sự sung
sướng” thì đột ngột, bỗng nhiên, bất ngờ người nhà... mở tung cửa bước
vào! Hoặc nhân vật Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu cũng thế thôi. Rặt những
chuyện cười ra nước mắt. Cười ra tiếng thở dài.
Gì nữa? Mà thôi.
Hãy trở lại với cái nhà của riêng mình. Thử hỏi, trong cái nhà nơi nào
quan trọng nhất? Phòng khách? Đúng rồi. Khách bước vào nhà, trước hết
ngồi đó chớ ở đâu nữa? Vì thế, chủ nhà đã phải trang hoàng thật “oách”,
thật hoành tráng. Mấy chục năm trước, bước vào phòng khách của những
“trưởng giả học làm sang”, nhà văn Vũ Trọng Phụng cáu tiết, đại khái, lẽ ra
chỗ này phải chưng cái tủ sách nhưng chủ nhân lại đặt cái “búp-phê” khoe
mẽ nào rượu Tây, nào “mề đay” ngậu xị! Bây giờ cũng thế thôi. Thật ra,
phòng khách dù có trang hoàng đến cỡ nào đi nữa cũng không vừa lòng
khách, bởi lẽ họ phải e dè, thận trọng chứ không thoải mái nếu như được
chủ nhà tiếp trong... quán nhậu! Đi đứng ngả ngớn tự nhiên chứ không phải
nhất nhất gò bó tuân thủ “nhập gia tùy tục”.
Vậy trong nhà, nơi nào quan trọng nhất?
Theo tôi, nếu sắp xếp thứ tự phải là phòng ngủ, nhà bếp và toilet.
Trong đời sống hiện đại này, suốt ngày chạy như cờ lông công ở ngoài
đường, ai không mong được ngả lưng trên chiếc giường của mình. Nơi ấy,
dù nhỏ như hộp diêm nhưng là của mình. Họ được trở về với bản năng
sống một cách tự nhiên nhất, không phải cảnh giác bất cứ một điều gì. Cái
phòng ngủ kỳ diệu đến nỗi tôi nghĩ nó chính là nơi hòa giải tình cảm của vợ
chồng lúc trúc trắc, trục trặc hữu hiệu nhất. Không hữu hiệu sao được khi
mà ca dao có câu:
Mù u bảy lá mù u
Vợ chồng hờn giận... giảng hòa
Nghe ra thô, nhưng nó rất đời và cũng rất người. Theo phong thủy,
trong phòng ngủ đừng bao giờ đặt tấm gương lớn đối diện với giường nằm.
Tại sao? Sự phản chiếu ấy sẽ tạo thêm nhân vật ảo thứ hai, thứ ba... điều đó
không có lợi cho hạnh phúc lứa đôi. Ngẫm lại cũng có lý.